Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bắt đầu lộ trình đề cử UNESCO xem xét công nhận là di sản thế giới từ năm 2013 với sự vào cuộc của tỉnh Quảng Ninh. Từ năm 2015, việc xây dựng hồ sơ có sự mở rộng địa bàn sang hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương với các di tích liên quan là chùa Vĩnh Nghiêm và Côn Sơn, Kiếp Bạc. Đến tháng 1/2024, toàn bộ hồ sơ chính thức, đầy đủ nhất đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được đệ trình UNESCO xem xét và ghi danh cho di sản. Đây là tín hiệu vui cho lộ trình đưa Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức trở thành di sản thế giới.
Đặt trong bối cảnh Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được ghi danh là di sản thế giới sẽ là niềm tự hào của cả đất nước nói chung, của toàn thể chính quyền, nhân dân 3 tỉnh có di sản nói riêng, đồng thời cũng đặt ra những khó khăn, thách thức.
Xét về cơ hội, di sản của dân tộc được UNESCO ghi danh sẽ góp phần đưa hình ảnh của quốc gia, của địa phương lan tỏa đến với thế giới. Đó sẽ là hình ảnh của quốc gia có nền văn hóa truyền thống lâu đời, giàu bản bản sắc, năng động tích cực hội nhập, đang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Quan sát sự phát triển tại các khu di sản nhiều năm qua có thể khẳng định di sản thế giới là một thương hiệu được đảm bảo điểm đến hứa hẹn nhất, hấp dẫn nhất của mỗi quốc gia.
Yên Tử được UNESCO vinh danh còn có cơ hội nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới. Đặc biệt việc di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa thế giới có tác động đối với sự phát triển kinh tế, du lịch và các ngành liên quan. Khi di sản thế giới như “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch mạnh mẽ, du lịch phát triển, doanh thu du lịch vì thế tăng cao, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế của địa phương, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Xét về khó khăn, thách thức, Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc với hệ thống các di sản văn hóa nằm trên khu vực đất liền trên địa bàn trải rộng, cả khu vực đồng bằng, rừng núi, chịu nhiều tác động của các yếu tố tự nhiên, môi trường xã hội, con người… Đây là vấn đề đặt ra đối với 3 địa phương trong việc bàn bạc, thống nhất về mô hình, cơ chế và cách thức quản lý Quần thể di sản này, vai trò nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương phải được xác định rõ ràng.
Hiện nay, Bắc Giang, Hải Dương và nhất là Quảng Ninh đang là các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội năng động hàng đầu khu vực đồng bằng Bắc bộ, vấn đề đặt ra làm sao để hài hòa giữa hai yếu tố phát triển kinh tế và bảo vệ di sản. Trước tiên đó là sự phát triển về dân số, đô thị hóa ắt cũng sẽ diễn ra cao hơn, đó là còn chưa nói các khu vực của di sản đều có nguồn tài nguyên thiên nhiên than, đá, vật liệu xây dựng… rất dễ tác động ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị, tính toàn vẹn, tính xác thực của Quần thể di sản… Về lâu về dài, di sản cũng gặp những nguy cơ ảnh hưởng đến các khu rừng nguyên sinh, hệ sinh thái động thực vật, nguy cơ của biến đổi khí hậu tác động đến di sản; áp lực phát triển du lịch, áp lực đảm bảo lợi ích của cộng đồng cư dân địa phương…
Với những thời cơ, cơ hội thuận lợi, cũng như những thách thức, những khó khăn đặt ra khi trở thành di sản thế giới, chúng ta cần có những dự liệu, những hành động cụ thể để chuẩn bị, hướng tới cho những hoạt động về quản lý, bảo vệ và khai thác, phát huy giá trị của di sản thế giới một cách hợp lý, theo đúng những quy định quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam, nhất là theo những định hướng phát triển bền vững mà UNESCO đặc biệt quan tâm.
TS. Trần Đức Nguyên, Trưởng Khoa Di sản văn hoá, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội