Là sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đang từng bước khẳng định là hạ tầng giao thông quan trọng của Quảng Ninh, cửa ngõ kết nối bầu trời, trung tâm Logistics trong tương lai, động lực thu hút đầu tư cho tỉnh.
Được đưa vào khai thác đầu năm 2019 với tổng vốn hơn 7.500 tỷ đồng theo hình thức PPP, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được thiết kế cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của ICAO), là một trong số những sân bay sở hữu đường băng dài nhất Việt Nam với 3,6km, có thể đón được các loại máy bay có tải trọng lớn, như Boeing 787, 777 và Airbus A350, A320. Công suất nhà ga đạt 2,5 triệu hành khách/năm; khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm.
Từ khi đưa vào khai thác đến nay, nhiều năm liền, Cảng được Chương trình quản lý chất lượng sân bay (APMP) ghi nhận là 1 trong 5 sân bay được “chấm điểm” dịch vụ cao nhất thế giới; 4 năm liên tiếp được tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới World Travel Awards (WTA) vinh danh là “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á”.
Mới đây, từ ngày 26-29/2, Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac Air) cũng đã chọn Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là nơi mở đầu cho chuỗi sự kiện Comac Airshow 2024 – triển lãm, trình diễn, giới thiệu 2 mẫu máy bay C919 và ARJ21, được coi là biểu tượng phát triển của công nghiệp hàng không Trung Quốc tại 5 nước Đông Nam Á.
Chia sẻ việc lựa chọn Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn để tổ chức khai mạc Comac Airshow 2024, ông Đàm Vạn Canh, Chủ tịch Comac Air, cho biết: Với vai trò là trung tâm kết nối quan trọng của khu vực, Quảng Ninh sở hữu đa dạng các thế mạnh nổi trội, dư địa phát triển du lịch rất lớn, là thị trường giàu tiềm năng. Đặc biệt, tỉnh sở hữu Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay mới được trang bị đồng bộ công nghệ, hạ tầng tiên tiến… đây chính là các điều kiện chúng tôi đang tìm kiếm để phát triển. Sự kiện Comac Airshow 2024 với hy vọng là cầu nối quan trọng kết nối các hãng hàng không, hãng du lịch Trung Quốc đến với Quảng Ninh. Đây cũng là tiền đề các hãng hàng không dùng máy bay do Comac Air sản xuất để vận chuyển khách tham quan du lịch tại tỉnh.
Trước đó, cuối tháng 1/2024 tại buổi làm việc với Phó Cục trưởng, Cục hàng không dân dụng Trung Quốc Lý Học Lợi, đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đề nghị Cục hàng không nghiên cứu mở các tuyến bay kết nối các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đến với Quảng Ninh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ, Cảng sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, khu vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay (hangar) với mục tiêu đưa sân bay Vân Đồn thành một trung tâm logistics của Việt Nam, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN. Vì thế, các hãng hàng không Trung Quốc có thể tổ chức hoạt động bảo trì, bảo dưỡng tàu bay tại Vân Đồn, Quảng Ninh. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các hãng hàng không khai thác và phát triển bền vững, lâu dài tại tỉnh.
Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, có hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông, du lịch ngày càng được đầu tư đồng bộ, liên thông, tổng thể. Bên cạnh di sản, kỳ quan Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn hơn 600 di tích lịch sử, danh thắng, hội tụ cảnh đẹp, bản sắc văn hóa địa phương… Trong những năm qua, trung bình khách quốc tế đến tỉnh đạt từ 2-3 triệu lượt, trong số đó có đến gần 50% khách từ thị trường Trung Quốc. Như vậy, có thể thấy đây là thị trường tiềm năng rất lớn của tỉnh.
Vì thế, việc sớm kết nối các tuyến bay thẳng từ các tỉnh, thành phố Trung Quốc đến Quảng Ninh và ngược lại sẽ gia tăng thêm cơ hội thu hút khách quốc tế đến tỉnh, thêm cơ hội giao lưu kinh tế, giao lưu nhân dân. Khi đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ là cửa ngõ hàng không quan trọng trong kế hoạch tăng trưởng này.
Điều này đang hiện thực hóa chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc và tinh thần “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược” và các thỏa thuận có liên quan giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Là một bước tiến quan trọng, một ví dụ điển hình khác về sự hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.