Các nhà sản xuất và nhập khẩu ắc quy và pin sạc nhiều lần, dầu nhớt, săm lốp và các loại bao bì… sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế kể từ ngày 1-1-2024 khi quy định EPR về thực hiện trách nhiệm tái chế của doanh nghiệp chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế, việc thực thi cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong tuân thủ quy định tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) vẫn gặp nhiều khó khăn khi đi vào thực thi. Vấn đề đau đầu đối với các nhà sản xuất chính là dù luật đã có hiệu lực song tới nay các quy định về chi phí tái chế vẫn còn “trống”, trong khi ngành tái chế của Việt Nam còn rất lạc hậu, manh mún.
“Ngóng” quy định chi phí tái chế
Để thực hiện trách nhiệm mở rộng, các nhà sản xuất có thể lựa chọn theo các phương án: tự tổ chức tái chế, ủy quyền cho bên thứ ba tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Phạm Hồng Quân – viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) – cho rằng dù luật quy định đến ba phương án thể hiện trách nhiệm nhà sản xuất, song các doanh nghiệp vẫn nghiêng về phương án đơn giản nhất trong giai đoạn khó khăn hiện nay là đóng tiền quỹ như một loại thuế.
Theo luật, số tiền doanh nghiệp phải đóng vào quỹ tái chế được áp dụng theo công thức F = R x V x Fs. Trong đó, F là tổng số tiền, R là tỉ lệ tái chế bắt buộc, V là khối lượng sản phẩm, bao bì, Fs là định mức chi phí tái chế đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì. Tuy nhiên, định mức tái chế Fs đến nay vẫn chưa được ban hành.
Đối với định mức tái chế Fs, bà Chu Thị Kim Thanh – giám đốc vận hành Công ty cổ phần Tái chế bao bì PRO Việt Nam thuộc Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) – cho rằng nhiều doanh nghiệp đang lúng túng khi ước tính, lên kế hoạch tài chính trong năm 2024 bởi chi phí tái chế không nhỏ và ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất nhựa, nhôm… vẫn lo lắng khi định mức tái chế đang còn dự thảo nhưng về cơ bản vẫn là mức phí cao và nặng gánh đối với doanh nghiệp.
Ngành tái chế Việt còn lạc hậu
Trước băn khoăn của các doanh nghiệp, ông Phan Tuấn Hùng – vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – cho rằng bộ đã trình dự thảo đến Chính phủ, dự kiến ban hành trong tháng 1 này. Còn về vấn đề định mức tái chế cao mà doanh nghiệp lo lắng, bộ đã phối hợp với Hiệp hội Tái chế chất thải khảo sát ở 70 cơ sở tái chế mới đưa ra kết quả trung bình như hiện nay.
“Định mức tái chế hiện tại là mức chi phí hợp lý, nhiều doanh nghiệp cho rằng chi phí tái chế như hiện tại là cao nhưng ở chiều ngược lại, bên tái chế cho rằng nếu giảm thấp hơn nữa sẽ không phù hợp với chi phí tái chế tại Việt Nam”, ông Hùng khẳng định.
Theo PRO Việt Nam, hoạt động tái chế tại Việt Nam chủ yếu dựa vào lực lượng phi chính thức, tự phát như làng nghề tái chế, đội ngũ thu gom ve chai nên công nghệ tái chế lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường…
Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng cơ sở hạ tầng tái chế đạt chuẩn. Do đó, PRO Việt Nam đề xuất cần ban hành chính sách quản lý chất thải cụ thể, có quy hoạch, quy định và hướng dẫn cho ngành nghề thu mua phế liệu cũng như cần lộ trình chuyển dịch, chuyên môn hóa ngành nghề.
Đặc biệt, cần phân bổ ngân sách ưu tiên hoặc tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư cho các lĩnh vực tái chế, từ đó nâng cấp các công nghệ đã lạc hậu và gây ô nhiễm cùng ưu đãi đặc biệt cho việc thương mại hóa các sản phẩm tái chế, giúp tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm tái chế với sản phẩm thông thường.
Ông Hứa Phú Doãn – phó chủ tịch Hiệp hội Tái chế – cho rằng ngành tái chế Việt Nam còn yếu, khả năng sinh lời thấp, đặc biệt khi phải đầu tư lớn hiện tại để thay đổi công nghệ, bộ máy. Do đó cần có biện pháp mạnh tay với các cơ sở không đạt chuẩn cũng như khuyến khích, hỗ trợ cơ sở tái chế chuyển đổi tạo công bằng cho thị trường.