“Nàng Xẩm” Gen Z, Huyền Xẩm là tên gọi mọi người thường dành cho Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 2001). Giới thiệu về bản thân mình, Huyền tự nhận mình là một cô gái làm marketing yêu hát xẩm.
Nguyễn Thị Huyền hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Hạ Long trong vai trò là nhân viên marketing cho một khách sạn quốc tế. Huyền sinh ra tại Ninh Bình, quê hương của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, vì vậy tình yêu với văn hóa dân gian cũng đã “bén rễ” trong cô từ nhỏ.
Lần đầu tiên Huyền biểu diễn hát xẩm là năm 2014, trong một hội diễn của trường, khi cô mới tròn 13 tuổi. Năm 2016, Huyền có cơ hội được gặp thầy Đào Bạch Linh – học trò của cụ Hà Thị Cầu và may mắn được thầy truyền dạy không chỉ những kỹ thuật hát xẩm mà còn cả tình yêu với bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống này. Càng tìm hiểu và đồng hành với xẩm thì tình yêu đó càng lớn dần lên trong cô.
Huyền tâm sự: Để theo đuổi hát xẩm, bên cạnh năng khiếu còn cần cả sự kiên trì, chăm chỉ, tập đi tập lại để những làn điệu ăn sâu vào trí nhớ. Mỗi tuần mình vẫn dành thời gian cho việc tập hát xẩm. Mình theo xẩm vì niềm đam mê, yêu thích của bản thân và cũng với mong muốn gìn giữ những làn điệu dân gian của quê hương.
Yêu xẩm theo cách riêng của người trẻ, Huyền tham gia CLB Xẩm 48h và cùng các bạn trẻ trong câu lạc bộ thực hiện những dự án để đưa xẩm xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống đương đại. CLB Xẩm 48h thành lập năm 2016, tới nay đã được 8 năm, hoạt động với mô hình lớp học trải nghiệm, thu hút ngày càng đông các bạn trẻ quan tâm tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật dân gian này.
Là thành viên tích cực của CLB Xẩm 48h và tham gia nhiều sự kiện biểu diễn hát xẩm, Huyền cùng các thành viên trong CLB đã vinh dự đạt giải Ba liên hoan Xẩm toàn quốc năm 2019, giải Nhì liên hoan Xẩm toàn quốc năm 2021. Cô cũng góp mặt trong hơn 100 chương trình, sự kiện trình diễn hát xẩm dành cho khán giả trong nước cũng như du khách nước ngoài.
2 năm liên tiếp 2022 và 2023, Huyền tham gia với vai trò là nghệ sĩ trong chương trình “Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam”, sự kiện thường niên do Đại học RMIT Việt Nam, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp tổ chức.
Với hành trình mà mình đang đi cùng với hát xẩm, Huyền và những người trẻ yêu văn hóa truyền thống đang nỗ lực tìm ra những cách thức khác nhau để xẩm được “hồi sinh” và mang hơi thở thời đại. Bên cạnh kết hợp giai điệu xẩm truyền thống vào âm nhạc hiện đại; chọn các bài hát xẩm có câu từ dễ hiểu, ý nghĩa gắn liền với cuộc sống ngày nay để người trẻ dễ học, dễ tiếp nhận; lồng ghép xẩm vào các tiết học về âm nhạc, các buổi ngoại khóa trong nhà trường, cô cũng tích cực quảng bá hát xẩm qua các nền tảng số như: Facebook, Tiktok…, biểu diễn xẩm trong các chương trình quảng bá du lịch để xẩm được lan tỏa rộng rãi hơn.
Huyền chia sẻ: Tại Hà Nội, chúng mình đang tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng như chương trình “Xẩm trong phố”, giới thiệu hát xẩm trong các lễ hội, thực hiện chương trình “Xẩm on the bus” – trải nghiệm hát xẩm trên xe buýt 2 tầng để phục vụ khách du lịch.
Còn với Quảng Ninh, dịp cuối tháng 11 tới, nhóm mình sẽ thực hiện chương trình nghệ thuật biểu diễn hát xẩm phục vụ khách du lịch tại Hạ Long và phối hợp với Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam xây dựng một không gian văn hóa tại TP Hạ Long, quảng bá những bộ môn nghệ thuật, văn hóa dân gian của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói riêng và văn hóa dân gian Việt Nam nói chung đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Bằng những sáng tạo, nhiệt huyết tuổi trẻ, cô gái Gen Z này đang cùng những người bạn của mình lan tỏa vẻ đẹp của hát xẩm, âm thầm thắp lên ngọn lửa tình yêu với bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống này.