Trung tuần tháng 11 vừa qua, đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh do lãnh đạo Sở NN&PTNT làm Trưởng đoàn, đã có chuyến tham quan, học hỏi những mô hình phát triển kinh tế vùng nông thôn tại các tỉnh miền Nam. Trong chuyến công tác này, nhiều mô hình sản xuất sáng tạo, hiệu quả của người nông dân Nam Bộ đã đem lại những bài học quý báu trong sản xuất nông nghiệp.
Vườn bưởi Hai Dương rộng 3ha, nằm ở ấp Diệu Hoà, xã Bạch Đằng (TX Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Vùng đất này có đặc thù là vùng cù lao, thích hợp để cây bưởi phát triển và ông Hai Dương cũng là người từ nhỏ đã gắn bó với cây bưởi Bạch Đằng. Đang vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch, những cây bưởi trong vườn Hai Dương lá xanh ngắt, quả sai, to tròn.
Điều đáng nói là ông Hai Dương chỉ xuất bán nguyên quả đối với những quả to đẹp, đạt chuẩn loại 1, số còn lại được chuyển làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm mứt vỏ bưởi, tinh dầu bưởi, ô mai bưởi, rượu bưởi… Ông Dương chia sẻ: Xuất phát từ việc có những thời điểm thị trường ứ ế trái bưởi, không tiêu thụ được, dẫn đến có nguy cơ đổ bỏ, chúng tôi tiếc công của làm ra nên đã nghĩ ra nhiều cách chế biến, đóng gói, lưu trữ sản phẩm từ quả bưởi.
Ngoài ông Hai Dương, xã Bạch Đằng còn có hàng chục nông dân chuyên trồng bưởi khác. Họ đều lành nghề canh tác, tuân thủ quy trình về trồng, chăm sóc, thu hoạch bưởi, đặc biệt là rất sáng tạo trong khâu chế biến quả bưởi thành những sản phẩm ăn liền thơm ngon. Gần đây, những “anh hai” Bình Dương này đang đi đầu trong ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online. Họ cũng thành thạo các kỹ năng quảng bá sản phẩm, kêu gọi tiêu thụ sản phẩm. Hiện phần lớn các vườn bưởi ở xã Bạch Đằng đều gắn với cơ sở chế biến, đóng gói và trưng bày sản phẩm, có không gian đón khách trải nghiệm vườn và thưởng thức những sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu trái bưởi.
Tại xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), người nông dân ở đây phổ biến mô hình ghép thân cây sầu riêng giống mới trên 3 gốc cây sầu riêng bản địa. Đây là kỹ thuật nông nghiệp khó, nhưng người dân Cẩm Mỹ lại thành thạo, điều này cho thấy trình độ canh tác của họ đã được nâng cao.
Cây sầu riêng được ghép trên 3 gốc cây sầu riêng gốc bản địa khoẻ hơn, phát triển nhanh hơn, đẻ nhánh dày, không gãy đổ, đặc biệt lượng trái tăng cao 1,5 lần so với sầu riêng trồng theo truyền thống.
Cùng có cách làm sáng tạo như nông dân Bình Dương, Đồng Nai, các hộ trồng nấm linh chi ở huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) rất chú trọng công tác tiếp thị, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Nấm linh chi ở đây được sinh trưởng trên những phôi nấm là mùn cưa của cây cao su đỏ, nên có sự khác biệt nhất định so với các loại nấm linh chi khác. Khách hàng mua nấm linh chi ở những cơ sở này được giới thiệu rất kỹ về sự khác biệt nói trên, đồng thời được “mục sở thị” nguyên liệu mùn cưa cao su đỏ để làm giá thể nấm, được tham quan các nhà nấm với những giai đoạn phát triển khác nhau, gắn với hệ thống nhà xưởng, thiết bị đi kèm khác nhau. Mục tiêu là để khách hàng tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm.
Một trong những điểm nhấn của những người nông dân Nam Bộ trong triển khai các mô hình kinh tế hộ gia đình là sự song hành giữa sản xuất và thương mại, thậm chí coi thương mại là khâu chính trong chuỗi giá trị của đơn vị mình. Đây là một trong những kỹ năng còn thiếu và yếu của nông dân Quảng Ninh, vốn chưa tạo ra những chuỗi liên kết và chuỗi liên kết mạnh. Các khâu sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… vẫn chủ yếu là những khâu riêng lẻ, rời rạc, đặc biệt kỹ năng chào hàng, làm nổi bật ưu thế sản phẩm và cách kích thích sức mua thì nông dân Quảng Ninh thực hiện chưa cao. Bởi vậy, những thành công của nông dân Nam Bộ chính là bài học hay cho nông dân Quảng Ninh tiếp cận, tìm hiểu và áp dụng, qua đó nâng cao hiệu quả giá trị nông sản, góp phần cải thiện đời sống nông dân.