Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố giúp Việt Nam quản lý các điểm đến tốt hơn và thu hút các nhà đầu tư quốc tế, tạo sức bật hấp dẫn chính là việc cần phải “thực thi đúng pháp luật.”
Sau những nỗ lực phục hồi hậu COVI-19, hình ảnh du lịch Việt Nam đang dần trở nên thân thiện và hấp dẫn hơn với khách du lịch. Đặc biệt, Chủ tịch danh dự Viện Quản lý Du lịch Singapore, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA), ông Wong Soon-hwa đánh giá “Việt Nam có vị thế tốt nhất Đông Nam Á cho ngành du lịch phát triển.”
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để du lịch phát triển hơn nữa, Việt Nam cần phải quản lý tốt các điểm đến.
Ưu tiên trải nghiệm du khách
Ngoài các điểm đến đã khẳng định thương hiệu như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long… thì các điểm đến mới của Việt Nam đang dần khẳng định sức hút mạnh mẽ như Đà Nẵng, Hội An…
Đáng chú ý, sau đại dịch, ngành du lịch Việt Nam được các chuyên gia quốc tế nhận định có tốc độ phát triển nhanh hơn cả Thái Lan và Nhật Bản, lại liên tiếp được các giải thưởng quốc tế uy tín như World Travel Awards, World Culinas Awrads vinh danh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thể hiện sự quan tâm và tạo điều kiện cho kinh tế Xanh phát triển bằng việc nới lỏng chính sách visa, cấp e-visa cho công dân mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới…
Trưởng phòng Phòng Quan hệ Quốc tế, Cục Du lịch Quốc gia, ông Đinh Ngọc Đức nhận định một điểm đến muốn thu hút khách thành công chính quyền nơi đó cần “đặt trải nghiệm du khách lên hàng đầu.”
Theo ông Đức, trải nghiệm đó chính là cung cấp cho du khách dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh với chi phí tương xứng chất lượng, môi trường sạch đẹp, người dân thân thiện, văn minh, điểm đến an toàn và phát triển bền vững. Đồng thời, các sản phẩm tour tuyến phải đặc sắc, thủ tục nhập cảnh đơn giản, di chuyển đến nơi tham quan thuận tiện…
Trong khi đó, ông Wong đánh giá Việt Nam đất rộng với diện tích hơn 331.000 km2, dân số đông gần 100 triệu người chính là nguồn nhân lực dồi dào cung cấp cho ngành dịch vụ du lịch. Lợi thế của Việt Nam là điểm đến an toàn nhờ tình hình chính trị ổn định, điều mà các nhà đầu tư nước ngoài luôn ưu tiên khi quyết định rót vốn. Mặc dù vậy, hiện Việt Nam vẫn chưa phải là điểm đến hút khách hàng đầu khu vực, vẫn đứng sau Thái Lan, Malaysia.
10 tháng qua, du lịch Việt đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong khi Thái Lan đã đón hơn 21,5 triệu lượt khách. Do đó, để du lịch phát triển hơn nữa, các chuyên gia quốc tế nhận định ngành kinh tế Xanh Việt Nam cần phải quản lý tốt các điểm đến, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thành công của các nước trong khu vực.
Người đồng sáng lập nền tảng du lịch Traveloka (có trụ sở tại 6 quốc gia Đông Nam Á), ông Albert Zhang định nghĩa “điểm đến” không chỉ là danh sách tên trên bản đồ mà còn là những trải nghiệm mà khách du lịch và người dân địa phương cùng nhau tạo ra.
“Với một quốc gia được thiên nhiên ưu đãi như Việt Nam, việc quản lý điểm đến là vô cùng quan trọng,” ông Albert nhấn mạnh.
Thích nghi với sự thay đổi
Trong thời đại công nghệ số, du lịch thông minh trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân, với mong muốn 1 chạm có thể thưởng thức du lịch và dễ dàng so sánh với nhiều điểm đến khác nhau.
Các chuyên gia cho rằng khi đến một điểm đến ở vùng đất xa xôi, du khách mong muốn có nền tảng công nghệ du lịch để so sánh giá tốt và phù hợp với họ.
“Chúng ta đang sống trong thế giới dễ thay đổi và không dễ dàng, bởi sự khó lường của dịch bệnh, chiến tranh hay biến đổi khí hậu. Do đó, tồn tại được không phải là người mạnh nhất, thông minh nhất mà là người quản lý được và thích nghi được với sự thay đổi.” ông Wong Soon-hwa nói.
Ông Wong gợi ý “kim chỉ nam” trong quản lý một điểm đến chính là tính bền vững, cân bằng được giữa chất lượng và số lượng khách; phát triển du lịch không chỉ ở hiện tại mà còn cho tương lai.
Muốn vậy, ngoài lợi thế vẻ đẹp tự nhiên, có sản phẩm đa dạng và sự đầu tư hạ tầng cơ sở cần có sự chung tay hợp tác giữa các bên liên quan, gồm nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Đặc biệt, chính phủ luôn phải đóng vai trò dẫn dắt.
Theo chuyên gia đến từ Singapore, chính phủ cần cung cấp nguồn lực, cơ sở hạ tầng cũng như quy trình phê duyệt nhanh chóng, thuận tiện để hấp dẫn nhà đầu tư; cần công khai các kế hoạch đầu tư cũng như thời gian hoàn thiện đúng hạn, nhằm giúp các nhà đầu tư biết chính phủ đang làm gì để có thể đầu tư, phát triển du lịch.
“Chúng ta quản lý điểm đến không chỉ phục vụ khách quốc tế mà còn có khách nội địa. Disneyland hay Paris không thể tồn tại nếu chỉ có khách quốc tế,” ông Wong nói và cho biết đảo Sentosa của Singapore nhỏ hơn Phú Quốc rất nhiều nhưng mỗi năm đón hơn 20 triệu lượt khách. Trong số đó, khách nội địa đóng góp không nhỏ, vì thế Việt Nam có thể tham khảo mô hình phát triển của Sentosa để áp dụng cho các điểm đến trong nước.
Ông Wong cũng nhấn mạnh yếu tố giúp Việt Nam quản lý các điểm đến tốt hơn và thu hút các nhà đầu tư quốc tế chính là “thực thi đúng pháp luật.”
Theo chuyên gia này, quốc gia nào cũng sẽ có luật hay quy định riêng, nhưng điều giúp điểm đến này nổi bật hơn điểm đến khác chính là việc quốc gia đó thực thi pháp luật như thế nào.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc quản lý điểm đến và vai trò marketing cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đồng hành, không chờ có kiểm tra mới thực hiện mà phải luôn duy trì thực hiện tốt. Vấn đề rác thải cũng cần đầu tư và tạo nhiều điểm thu gom rác, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường…
Nếu thực hiện được các gợi ý trên, các chuyên gia du lịch tin rằng ngành công nghiệp không khói Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc trong tương lai gần./.