Ngành Du lịch Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là giải pháp, hướng đi tất yếu giúp du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững. Theo định hướng đó, các doanh nghiệp và địa phương đã tích cực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các hoạt động du lịch, xúc tiến, quảng bá nhằm đem lại trải nghiệm mới, tạo môi trường minh bạch và an toàn cho du khách.
Hiện nay, rất nhiều địa điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đã được gắn mã QR để du khách có thể quét và tự tìm hiểu về lịch sử, văn hoá một cách chính xác và rõ ràng. Việc này không chỉ giảm khối lượng công việc cho đội ngũ ban quản lý, hướng dẫn viên du lịch mà còn thuận tiện cho những người đi du lịch một mình. Như tại TP Móng Cái đã triển khai gần 20 mã QR gắn với thuyết minh tự động tại các điểm di tích, lịch sử, du lịch thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu, như: Đình Trà Cổ, đền Xã Tắc, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, Nhà lưu niệm Bác Hồ về thăm Móng Cái, Cột mốc 1368… Thông qua quét mã QR giúp du khách và nhân dân dễ dàng truy cập tìm hiểu đầy đủ các nội dung về tư liệu, hình ảnh, video giới thiệu tổng quan về các tuyến điểm du lịch.
Không riêng Móng Cái, hiện nay, gần 200 điểm trong tổng số 370 điểm di tích tại 13 địa phương trong tỉnh cũng đã được số hóa và gắn mã QR. Để tiếp tục nâng cao trải nghiệm cho du khách, Quảng Ninh đang phấn đấu sẽ số hóa và gắn mã QR tại 100% địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
Hiện, chuyển đổi số đã được triển khai sâu rộng trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Từ công tác quản lý, quảng bá, xúc tiến du lịch đến kinh doanh của doanh nghiệp đều đã ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Đến nay, tỉnh đã cơ bản xây dựng được hệ thống du lịch thông minh nhằm hỗ trợ du khách trải nghiệm một cách tốt nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch hiệu quả và hỗ trợ các cơ quan quản lý phân tích, dự báo số liệu, đẩy mạnh quảng bá và quản lý hoạt động du lịch. Như tại Ban Quản lý vịnh Hạ Long, từ khi triển khai phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử, việc bán vé tham quan Vịnh Hạ Long đã tạo thuận lợi cho cả du khách và cơ quan quản lý. Du khách khi nhận vé tham quan vịnh Hạ Long có thể quét mã QR trên vé để tra cứu hóa đơn điện tử, xem thông tin về lịch trình tham quan.
Trong lĩnh vực kinh tế số, Sở Du lịch đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia, đẩy mạnh thương mại điện tử ngành du lịch. Theo đó, đề nghị 100% doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu sử dụng website thực hiện các giao dịch thương mại điện tử trong quảng bá hình ảnh; đẩy mạnh thanh toán các giao dịch bằng hình thức không dùng tiền mặt; cung cấp thông tin số liệu, báo cáo thống kê hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thí điểm phố thông minh không dùng tiền mặt tại Khu du lịch Tuần Châu, TP Hạ Long… Nhờ đó, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã nhanh chóng bắt nhịp “dòng chảy” chuyển đổi số với việc triển khai các ứng dụng số trong quản lý điều hành, gia tăng trải nghiệm, đem đến tiện ích và sự hài lòng cho du khách.
Cùng với các hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp, các địa phương cũng tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP Hạ Long, hiện, thành phố đang cung cấp 107 điểm wifi miễn phí để phục vụ kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, 100% các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn… đảm bảo triển khai các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Thành phố đang nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng “Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh và số hóa du lịch thành phố Hạ Long”. Cụ thể, thực hiện số hóa Di sản 3D (bảo tàng số); triển khai một số nền tảng hạ tầng số trong phát triển du lịch; xây dựng Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh và phần mềm bản đồ du lịch số tương tác 3D giúp khách du lịch trải nghiệm những chuyến tham quan du lịch ảo.
Bắt nhịp chuyển đổi số, trong năm 2023, Sở Du lịch đã tích cực triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin về du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng bao gồm: hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia; phát triển trang mạng du lịch quốc gia, ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel”, thẻ Việt – thẻ du lịch thông minh phục vụ khách du lịch; nền tảng số “Quản trị và kinh doanh du lịch”. Đồng thời, nâng cấp website du lịch Quảng Ninh; sản xuất các clip ngắn quảng bá các điểm đến du lịch Quảng Ninh. Trong năm 2023, Sở Du lịch đã cập nhật gần 600 tin bài trên website “halongtourism.com.vn” và “ halongtourism.info” bằng 3 ngôn ngữ Việt, Anh và Trung, thu hút gần 500.000 lượt truy cập. Đồng thời, đăng tải hơn hơn 600 tin bài được cập nhật trên các trang mạng xã hội của Sở Du lịch, thu hút hơn 600.000 lượt người tiếp cận.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số cần có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, chồng chéo, lãng phí và nhất là dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”. Chuyển đổi số cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn.
Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục xây dựng chương trình hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về chuyển đổi số cho nhân lực du lịch. Đồng thời, hình thành sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường; xây dựng ấn phẩm xúc tiến điện tử phù hợp với thị hiếu của từng khu vực trọng điểm, tổ chức các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch kỹ thuật số, quảng bá trong nước và quốc tế… Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ tăng cường kết nối doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với các đơn vị cung cấp công nghệ, phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số để phát triển các sản phẩm phù hợp theo nhu cầu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch bền vững.