Từ vị trí thứ 3, chuối Việt Nam vượt Philippines, chiếm gần 41% thị phần nhập khẩu của Trung Quốc, dẫn đầu sau 10 năm.
Những năm gần đây, chuối của Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc đại lục. Đầu năm nay, chuối tươi từ Việt Nam đánh dấu bước tiến lớn khi độc chiếm kệ hàng tại hệ thống siêu thị AEON ở Trung Quốc, thay thế hoàn toàn chuối từ Philippines và Đài Loan, vốn trước đây chiếm ưu thế.
Điều này không chỉ diễn ra ở AEON mà còn lan rộng sang nhiều hệ thống siêu thị khác và các chợ đầu mối lớn tại nước này.
Hiện chuối Pleiku Sweet của Hoàng Anh Gia Lai, là một trong những thương hiệu nổi bật tại Trung Quốc, được đóng gói theo tiêu chuẩn Nhật Bản với số lượng nhỏ từ 3-4 trái mỗi túi. Mỗi tuần, thương hiệu này xuất khẩu vài chục container, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc.
Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, chuối từ Việt Nam là đối thủ đáng gờm của các nhà xuất khẩu từ Philippines và Ecuador trên sàn giao dịch quốc tế.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định trong hai năm gần đây, thị phần chuối Việt tại Trung Quốc tăng mạnh nhờ chất lượng vượt trội, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý.
Số liệu mới nhất từ Hải quan Trung Quốc cho thấy trong 8 tháng đầu năm, quốc gia này nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn chuối với trị giá 592,1 triệu USD. Dù tổng lượng nhập khẩu giảm gần 8% so với cùng kỳ 2023 do suy thoái kinh tế, Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng với lượng xuất khẩu tăng 19,6%, đạt 459.946 tấn, chiếm hơn 40% tổng lượng nhập khẩu. Thị phần sản phẩm của chuối Việt tăng từ 31,3% trong năm 2023 lên 40,7% năm nay – một con số ấn tượng.
Ngược lại, các đối thủ cạnh tranh như Philippines đang gặp nhiều thách thức. Từng chiếm hai phần ba tổng lượng chuối nhập của Trung Quốc, Philippines nay chỉ xuất khẩu 283.150 tấn trong 8 tháng đầu năm, giảm tới 39,2% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá xuất khẩu của quốc gia này cũng giảm mạnh 46,7%, chỉ còn 158 triệu USD. Giá chuối Philippines, mặc dù đã giảm, vẫn cao hơn so với sản phẩm của Việt Nam, khiến loại quả này mất dần sức cạnh tranh.
Trong khi đó, Ecuador, quốc gia nổi tiếng với phân khúc chuối cao cấp, vẫn giữ vị thế với giá trị trung bình 676,8 USD một tấn – cao nhất trong số các nhà cung cấp, nhưng cũng chịu sự sụt giảm nhẹ về cả lượng và giá trị xuất khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, thời tiết không thuận lợi tại Philippines, cùng với các vấn đề sâu bệnh, đã làm giảm sản lượng và đẩy giá chuối nước này lên cao, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ Việt Nam mở rộng thị phần. Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Philippines, giúp Việt Nam tận dụng thời cơ để gia tăng vị thế trên thị trường này.
Theo các doanh nghiệp, những yếu tố thúc đẩy sự thành công của chuối Việt tại Trung Quốc bao gồm chất lượng sản phẩm, sự ổn định trong sản lượng và chiến lược giá linh hoạt. Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế về địa lý, với chi phí logistics thấp hơn đáng kể so với các nước khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt đã nỗ lực tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận thị trường này.
Dẫu vậy, xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc vẫn có những thách thức. Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, giá cả tại đây biến động mạnh, phụ thuộc nhiều vào mùa vụ và nhu cầu nội địa. Trong khi các thị trường khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc duy trì mức giá ổn định quanh năm, Trung Quốc lại có sự thay đổi liên tục, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải linh hoạt điều chỉnh chiến lược để tránh thua lỗ.
Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng đóng vai trò quan trọng. Tại Trung Quốc, mùa chuối thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 10. Điều này đồng nghĩa với việc giá sản phẩm cuối năm thường giảm do nguồn cung nội địa gia tăng. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp có chiến lược phân phối ổn định và chất lượng vượt trội vẫn duy trì được sự ưa chuộng từ người tiêu dùng tại đây.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chuối Việt đã khẳng định vị thế nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và chiến lược tiếp cận thị trường linh hoạt. Đây không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông sản Việt Nam, mà còn mở ra cơ hội lớn để mở rộng thị phần và phát triển bền vững trong tương lai.