Thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp bảo về môi trường biển và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản biển, nhờ đó, ngư trường Quảng Ninh, đặc biệt là khu vực ven bờ dần xuất hiện trở lại những đàn cá tôm, ở một số các vùng cửa biển có thể đón những đàn cá heo, cá voi, rùa biển quý hiếm…
Khoảng 15 giờ ngày 22/9, trong lúc buông câu tại khu vực Hạ Mai đến Đầu Trâu vùng biển Cô Tô, ngư dân phát hiện đàn cá voi bơi mặt biển. Trước đó, trưa ngày 21/8, tại đảo Cô Tô con đã một cá thể rùa biển nặng khoảng 20kg ngoi lên mặt nước. Tháng 11/2022, tại khu vực gần cầu Cảng (bãi biển Nam Hải, khu 4, thị trấn Cô Tô), cũng đã xuất hiện cá thể cá heo bơi trong nhiều giờ.
Việc rùa biển, cá heo, cá voi xuất hiện tại vùng biển Cô Tô là một tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển đang ngày càng tốt lên. Rùa biển, cá heo, cá voi là các loài sinh vật biển có đặc tính tìm bãi cát sạch để sinh sản hoặc tìm về nơi nước sâu, sạch sẽ và có nhiều cá con để tìm kiếm nguồn thức ăn.
Giống như Cô Tô, môi trường và nguồn lợi ở vùng biển Hải Hà ngày càng được bảo vệ, khiến cho vùng biển này thường xuyên xuất hiện những đàn cá heo. Ngày 5/11 vừa qua, đàn cá heo khoảng 4 – 5 con tự do bơi lượn, đùa giỡn trên sóng nước tại khu vực đầu hòn Miều, thuộc địa bàn xã đảo Cái Chiên. Theo người dân Cái Chiên, đàn cá heo khá dạn người, sự có mặt của hoạt động sản xuất con người dường như không ảnh hưởng đến chúng.
Để có được kết quả môi trường, nguồn lợi biển cải thiện đáng kể như trên, huyện Cô Tô và huyện Hải Hà đã tăng cường quản lý nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch; vận động người dân thay thế, sử dụng vật liệu nổi đạt chuẩn thay cho những phao xốp nổi; vận động ngư dân chuyển đổi tàu khai thác thuỷ sản từ nhỏ sang to, từ khai thác ven bờ sang khai thác ở vùng lộng, vùng khơi. 2 địa phương cũng quyết liệt trong xử lý hành vi khai thác thuỷ sản có tính tận diệt, kiên quyết xử phạt ngư dân sử dụng những ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản…
Các địa phương có biển trong toàn tỉnh cũng đều tập trung triển khai những giải pháp quyết liệt giữ gìn môi trường biển và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 18 về tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản với loạt các giải pháp trúng, đúng. Đến nay các cấp uỷ, chính quyền và các sở, ngành đã ban hành trên 700 văn bản chỉ đạo cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường thực hiện các giải pháp về khai thác và bảo vệ NLTS. Toàn tỉnh đã tổ chức hơn 21.300 đợt tuyên truyền phổ biến các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho trên 405.000 lượt người, xây dựng 1.069 phóng sự tin bài, biên soạn và in ấn 532.980 tài liệu các loại về quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Toàn tỉnh đã tổ chức ký 4.009 cam kết giữa chủ tàu cá, các hộ kinh doanh ngư cụ về không vi phạm nguồn lợi thủy sản.
Đặc biệt các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm soát ngăn chặn xử lý vi phạm về khai thác và bảo vệ NLTS; triển khai đường dây nóng bảo vệ NLTS; ký cam kết bảo vệ và phát triển NLTS giữa chủ tàu cá với chính quyền địa phương. Kết quả Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trung bình 40 cuộc/năm. Lực lượng biên phòng tỉnh tính từ năm 2018 đến nay đã tổ chức 10.550 lượt cán bộ chiến sĩ tuần tra kiểm soát trên vùng biển; Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tổ chức 441 lượt kiểm tra; huyện Đầm Hà tổ chức 225 đợt… Hệ thống đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh đã tiếp nhận tổng số 628 tin báo. Từ năm 2018 đến 30/10/2023 toàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt trên 9.000 vụ vi phạm về khai thác và bảo vệ NLTS, thu phạt nộp ngân sách nhà nước trên 57,8 tỷ đồng.
Toàn tỉnh đẩy mạnh công tác thả giống, chủ động tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kể từ tháng 9/2017 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã thả trên 35,5 triệu con giống tôm, cua, cá… về môi trường tự nhiên. Những năm gần đây bằng nhiều nguồn vốn, các đơn vị chức năng và địa phương đã triển khai dự án khoanh vùng và bảo vệ bãi sá sùng 2 xã: Minh Châu (Vân Đồn) và Đại Bình (Đầm Hà) với quy mô 1.000ha; dự án phục hồi hệ sinh thái san hô và triển khai mô hình quản lý cộng đồng tại quần đảo Cô Tô và trong vùng lõi Vịnh Hạ Long.
Với những nỗ lực cao độ trong công tác bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi biển, vùng biển Quảng Ninh ngày càng sạch đẹp, giàu có. Đây là điều kiện quan trọng để Quảng Ninh phát triển kinh tế biển bền vững, bao gồm các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, các hoạt động du lịch biển, làm gia tăng giá trị của biển Quảng Ninh.