Xác định bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua, TP Hạ Long đã xây dựng cơ chế, chính sách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về các di tích lịch sử – văn hóa; nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đối với những di sản văn hóa tiêu biểu.
Nhiều dự án nghiên cứu chuyên sâu về các di tích lịch sử – văn hóa được thực hiện, như: Đề án quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, danh thắng huyện Hoành Bồ (cũ) đến năm 2025, tầm nhìn 2035 (do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là đơn vị tư vấn triển khai xây dựng Đề án); Đề án phát triển du lịch TP Hạ Long đến năm 2025, tầm nhìn 2030; rà soát, lập hồ sơ khoa học đối với những di sản văn hóa tiêu biểu. Trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, thành phố đã lập hồ sơ đề nghị 4 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 4 địa điểm được rà soát, kiểm kê và đưa vào danh mục của tỉnh; thực hiện quy trình tu bổ, tôn tạo 7 di tích.
Trên địa bàn TP Hạ Long hiện nay có tổng số 96 di tích. Trong đó có 1 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt là danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long. Số lượng di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia là 6 di tích, gồm cụm di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ (Bia khắc trên núi, chùa Long Tiên, đền Đức Ông); Trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai; Di tích thắng cảnh Hồ Yên Lập – Chùa Lôi Âm; Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh (1964-1975) trên núi Bài Thơ; Di tích khảo cổ Hòn Hai Cô Tiên; Danh lam thắng cảnh núi Mằn.
Thành phố cũng có 16 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, gồm có: Di tích đình, nghè Vạn Yên, Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Tuần Châu, di tích đình Lộ Phong, di tích đình Giang Võng, di tích lưu niệm Binh đoàn Than, di tích chùa Yên Mỹ, di tích đền thờ Lê Thái Tổ, khu căn cứ cách mạng Sơn Dương, khu căn cứ kháng chiến chống Pháp xã Bằng Cả, di tích đình Trới, đền thờ Anh Nghị Đại vương Vũ Phi Hổ, chùa Thanh Vân, hang Hà Lùng, di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ SFCT, nhà giam tù chính trị của thực dân Pháp và di tích cụm đình, nghè Yên Cư. Ngoài ra còn có 73 di tích đã được kiểm kê, phân loại, chưa được xếp hạng.
Trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, thành phố cũng đang tham mưu, đề xuất phương án phát triển các sản phẩm du lịch, kết nối các điểm du lịch. Trong đó, thành phố đã trùng tu, tôn tạo, sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp tại Khu Bảo tồn văn hoá Dao Thanh Y xã Bằng Cả; thiết kế bổ sung hệ thống biển báo du lịch; thiết kế một số trò chơi dân gian ngoài trời phục vụ cho trải nghiệm của khách du lịch; đề xuất tu sửa cấp thiết đối với đường lên núi Bài Thơ để bảo vệ và phát huy giá trị di tích…
Riêng tại Khu Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y xã Bằng Cả đã được đầu tư xây dựng năm 2009 tại thôn 2, xã Bằng Cả, do Sở VH-TT là chủ đầu tư, tổng trị giá dự án trên 15 tỷ đồng, nằm trên diện tích 74.398m2. Tại không gian này đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội làng, lễ cấp sắc của đồng bào Dao Thanh Y trên địa bàn nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc. Khu Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y được coi là “Bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống đặc sắc trên địa bàn xã Bằng Cả nói riêng và TP Hạ Long nói chung.
Hiện UBND thành phố đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND xã Bằng Cả tham mưu khai thác tối đa lợi thế tự nhiên, văn hoá, con người, nhất là giá trị bản sắc văn hoá của người Dao Thanh Y để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng; đầu tư, nâng cấp Khu Bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y; đầu tư về hạ tầng kết nối, hạ tầng tại các điểm tham quan phục vụ phát triển du lịch.
Công tác quản lý di tích được đảm bảo tốt. Lễ hội tại các di tích và nơi thờ tự được thực hiện trang nghiêm, khoa học, hợp lý, đảm bảo văn minh. Ban Quản lý đã tổ chức tuyên truyền, thông tin thường xuyên trên loa đài, bảng tin cho du khách thập phương đến chiêm bái, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.