Sáng 10.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất – sự kiện được Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương đề xuất sáng kiến và phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội tổ chức nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan và nâng cao nhận thức của trẻ em về Quốc hội.
Tham dự Phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các nguyên Phó Chủ tịch Nước Trương Thị Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh; Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn và Ủy viên dự khuyết Trung ương, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy.
Cùng dự còn có lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp; lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Phiên họp có sự tham dự của 263 đại biểu trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là lần đầu tiên, phiên họp giả định Quốc hội trẻ em được tổ chức nhằm góp phần triển khai hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, đặc biệt, là các quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 77 “tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”; khoản 4, Điều 79 “Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em”.
Phiên họp có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, kiến nghị các cấp, các ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em – chủ nhân tương lai của đất nước. Tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Thông qua hoạt động giúp các em được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội.
Thông qua việc tổ chức phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, góp phần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của Quốc hội; giáo dục, nâng cao nhận thức của cử tri, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vị trí, vai trò, hoạt động của Quốc hội trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng thời bảo đảm tính chất tự nguyện, tự quản của trẻ em dưới sự cố vấn, hỗ trợ của các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức hữu quan; bảo đảm phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của trẻ em.
Phiên họp giả định được tiến hành theo đúng quy trình, cách thức tổ chức như một phiên họp chính thức của Quốc hội. Theo đó, phiên họp được diễn ra với 2 phiên, phiên thảo luận tổ diễn ra vào ngày 9.9.2023 và phiên toàn thể diễn ra vào ngày 10.9.2023. Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp của trẻ em đề xuất các giải pháp liên quan tới các nhóm nội dung: nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em; giải pháp nâng cao kỹ năng tương tác an toàn trên không gian mạng cho trẻ em; góp ý cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất để trẻ em được ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, xã hội và vai trò của trẻ em trong công tác bảo vệ trẻ em. Những nội dung này đã được thể hiện ở dự thảo Nghị quyết trình tại Phiên họp toàn thể.
Ngoài các nội dung trên, tại phiên họp toàn thể, Quốc hội trẻ em tập trung thảo luận về các nội dung liên quan, xem xét ban hành Nghị quyết về những vấn đề đang được trẻ em và toàn xã hội đặc biệt quan tâm như: “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và vấn đề “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”. Các nội dung quan trọng này đã được triển khai lấy ý kiến của cử tri trẻ em cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học. Thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như Diễn đàn, kỳ họp hội đồng trẻ em các cấp, khảo sát bằng phiếu hỏi trực tuyến, trực tiếp… các ý kiến đã tham gia sôi nổi, thể hiện tinh thần trách nhiệm, phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
Theo chương trình, sau khi Quốc hội trẻ em kết thúc phiên họp giả định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có phát biểu quan trọng với các đại biểu trẻ em, lãnh đạo Quốc hội và các ban, bộ ngành cũng sẽ trực tiếp trao đổi với các đại biểu trẻ em về những vấn đề trẻ em quan tâm hiện nay.