Biến đổi khí hậu đang là nguyên nhân gây ra những hệ lụy khôn lường, như: Nhiệt độ trái đất tăng, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến những bất ổn về KT-XH. Để ứng phó với vấn đề này, thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai trên địa bàn Quảng Ninh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt.
Lường trước những nguy cơ
Với vị trí địa lý là địa phương ven biển, Quảng Ninh thuộc khu vực nhạy cảm về biến đổi khí hậu, dễ tổn thương cao trước tác động của nước biển dâng, mưa lớn, bão và áp thấp nhiệt đới. Thực tế những năm qua, Quảng Ninh cũng chịu những tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu, như lũ quét và vỡ đập Đầm Hà Động (tháng 10/2014) cuốn trôi các đập thời vụ của xã Quảng Lâm, Quảng An và ngập lụt nhà cửa, ruộng vườn, đầm nuôi trồng thuỷ sản vùng hạ lưu ở huyện Đầm Hà; mưa lớn diễn ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh khiến hơn 10.000 ngôi nhà, công trình giao thông bị hư hỏng, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng; đợt nắng nóng kéo dài gây hạn hán trong năm 2020 khiến lượng nước tại 25 hồ thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh đết hết thời điểm tháng 6/2020 còn hơn 133 triệu m3, giảm hơn 60 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2019…
Không chỉ vậy, tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, tiêu chảy… Đồng thời, làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve).
Lường trước những nguy cơ từ biến đổi khí hậu, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển KT-XH.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chỉ rõ định hướng của tỉnh: “Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Bên cạnh đó, tỉnh xác định quan điểm phát triển kinh tế xanh làm định hướng; tiếp tục thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên – con người – văn hóa; xây dựng văn minh sinh thái, lấy tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm góp phần xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Từ quan điểm đó, song song với việc phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã và đang làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Đây là nghị quyết chiến lược quan trọng, huy động sức mạnh của toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị của tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh tăng cường các hoạt động tuyên tuyền, giáo dục, làm tốt công tác nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Mặt khác, để công tác này đi vào chiều sâu, tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường vào nội dung sinh hoạt chi bộ, lồng ghép phổ biến, quán triệt trong cộng đồng dân cư và chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên tại các nhà trường trên địa bàn.
Các giải pháp bảo vệ môi trường được tỉnh triển khai đồng bộ, trên diện rộng, bài bản. Riêng trong giai đoạn 2018-2022, tổng kinh phí ngân sách tỉnh bố trí cho bảo vệ môi trường đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 4,59% kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương. Qua đó, đã tạo nên hệ thống hạ tầng, phương án ứng phó đồng bộ, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống nhân dân trên địa bàn, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của tỉnh Quảng Ninh.
Chủ động các giải pháp
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Quảng Ninh đã nhận diện những tồn tại, bất cập, cũng như những áp lực đối với môi trường, thiên nhiên từ đó xây dựng và triển khai tối ưu các dự án, đề án bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai trên mọi mặt lĩnh vực.
Theo đó, đối với nông nghiệp, lĩnh vực dễ bị tác động của các hình thái thiên tai bất lợi, ngành nông nghiệp tỉnh đã phát triển theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải cacbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Nhiều mô hình đã được triển khai trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi như: Sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP tại các huyện khu vực miền Đông; trồng trà hoa vàng hữu cơ tại Ba Chẽ và Hải Hà; ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa diện tích 6,0ha tại Đầm Hà và Đông Triều.
Các mô hình chăn nuôi trang trại với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, quy trình khép kín, nhằm vừa đảm bảo sản xuất sản phẩm chất lượng, vừa giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường được khuyến khích triển khai, như: Nuôi bò tại Công ty TNHH Phú Lâm; nuôi lợn tại Công ty CP Thiên Thuận Tường; sản xuất trứng tại Trại gà Tân An… Ngoài ra, Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phục hồi rừng tự nhiên với chính sách trồng rừng gỗ lớn; trồng rừng ngập mặn; chuyển đổi vật liệu trong nuôi trồng thủy sản trên biển.
Đặc biệt, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, Quảng Ninh đã đưa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn phát huy hiệu quả các mô hình tái sử dụng chất thải, góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan. Điển hình như trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh than, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng và triển khai Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than. Đồng thời tiếp tục triển khai đầu tư lắp đặt thêm hàng trăm máy phun sương dập bụi, xe tưới đường mỏ chuyên dùng công suất lớn; đưa vào vận hành tuyến đường sắt vận chuyển xít thải ngược mỏ…
Với quyết tâm phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn đất đá thải mỏ đang đổ thải trên các bãi thải, gây chiếm dụng hàng nghìn ha đất và gây ra những hệ lụy khôn lường về môi trường, tỉnh Quảng Ninh đã lập đề án về việc tận dụng chất thải mỏ làm vật liệu san lấp và bước đầu được Bộ TN&MT cho phép triển khai thí điểm tại vỉa 14 cánh Tây mỏ than Núi Béo (TP Hạ Long), với trữ lượng khoảng 700.000m3 và tại mỏ Tây Khe Sim, Tây Lộ Trí (TP Cẩm Phả) với tổng khối lượng khoảng 3,5 triệu m3 đất, đá thải mỏ.
Các đơn vị sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh cũng đã lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi, lọc bụi tay áo để xử lý bụi khí thải; định kỳ bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp hệ thống… nhằm giảm thiểu bụi phát sinh ra môi trường. Các đơn vị ngành nhiệt điện đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động; lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống xử lý lưu huỳnh từ khi bắt đầu đi vào vận hành… Tỉnh cũng chấm dứt hoạt động các lò sản xuất vôi thủ công từ tháng 6/2019; các cơ sở sản xuất gạch, ngói, gốm sứ trên địa bàn tỉnh đều chuyển đổi công nghệ đốt sang dùng khí hóa than, lắp đặt hệ thống xử lý bụi để giảm thiểu bụi, khí thải ra môi trường.
Các địa phương trong tỉnh quan tâm cải tạo thường xuyên để phục hồi các dòng sông, đoạn sông, hồ chứa ở các đô thị bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng để ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm; triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước dưới đất. Đặc biệt, tại khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; duy trì công tác giám sát chất lượng môi trường vịnh, cũng như việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động tại khu vực vịnh; giám sát chặt chẽ nguồn thải xuống vịnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh vận hành 162 trạm quan trắc môi trường tự động, trong đó có 7 trạm giám sát chất lượng môi trường nước biển ven bờ, 5 trạm giám sát chất lượng nước mặt, 16 trạm giám sát chất lượng không khí xung quanh, 47 trạm giám sát hoạt động xả khí thải, 84 trạm quan trắc giám sát nước thải… Các đơn vị chức năng tập trung quan trắc môi trường định kỳ trên phạm vi 13/13 địa phương trong tỉnh với 382 vị trí quan trắc. Trong đó có 62 vị trí quan trắc định kỳ môi trường không khí, tiếng ồn, độ rung; 124 vị trí quan trắc định kỳ môi trường nước mặt lục địa; 8 vị trí quan trắc định kỳ môi trường nước dưới đất; 99 vị trí quan trắc định kỳ môi trường nước biển ven bờ…
Theo kết quả quan trắc môi trường 5 năm qua của tỉnh, các thông số môi trường cơ bản trong giới hạn cho phép.
Bên cạnh việc thực hiện những mô hình kinh tế tuần hoàn từ doanh nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội cũng đã vào cuộc rất mạnh mẽ, Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền, hướng dẫn các chi hội thực hiện thành công các mô hình ủ phân hữu cơ từ rác thải, tái sử dụng chất thải nhựa, “biến rác thành tiền” với sự vào cuộc của đông đảo hội viên trên địa bàn toàn tỉnh; Tỉnh Đoàn với các mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải; Hội Nông dân tỉnh đang triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng, quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Hạ Long” bước đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan…
Những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, với tư duy bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã tạo ra chuyển biến tích cực, từ bị động ứng phó, khắc phục, sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường, các hệ sinh thái. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của Quảng Ninh.