Phát huy vai trò chủ động của thanh niên trong chuyển đổi số toàn diện, Tỉnh Đoàn – Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã tích cực triển khai hoạt động xây dựng và gắn mã QR các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa, góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh, bắt kịp xu thế mới của thời đại.
Ý thức được tầm quan trọng của việc đưa công nghệ số vào quảng bá du lịch, bằng sự sáng tạo và tâm huyết, thời gian qua, Thị Đoàn Quảng Yên đã triển khai 16 mã QR code gắn với thuyết minh tự động tại các điểm di tích lịch sử, du lịch nổi tiếng trên địa bàn, như: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, chùa Giữa Đồng, đình Hưng Học, đình Trung Bản…
Theo chị Bùi Quỳnh Nga, Bí thư Thị Đoàn Quảng Yên, để có thể hoàn thiện những nội dung này, Thị Đoàn đã dày công tổng hợp các nguồn thông tin về các điểm di tích, trên cơ sở đó biên tập, thiết kế rõ ràng, chi tiết để người dân, khách du lịch có thể tra cứu thông qua mã QR. Ngay trong tháng 3 này, BTV Thị Đoàn sẽ tiếp tục tổ chức gắn mã QR với 3 địa danh: Cây lim Giếng Rừng, Bảo tàng và bãi cọc Bạch Đằng. Với địa phương có hệ thống di tích lịch sử dày đặc như Quảng Yên, cách làm này giúp người dân và du khách có được cái nhìn toàn cảnh và chi tiết hơn một cách hiện đại và thuận tiện.
Cũng là một trong các địa phương tiên phong, tuổi trẻ Móng Cái lại ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh. Chỉ trong một thời gian ngắn, Thành Đoàn Móng Cái đã triển khai được 11 mã QR điểm di tích trên địa bàn. Đặc biệt là công trình gắn mã QR-Code tại khu vực Cột mốc 1368, là cột mốc chủ quyền biên giới đầu tiên được số hóa trên toàn quốc.
“Không chỉ Quảng Yên hay Móng Cái, tuổi trẻ toàn tỉnh đã tiên phong, sáng tạo trong triển khai gắn mã QR tại rất nhiều các “Địa chỉ đỏ”. Đây không chỉ là cách cung cấp thông tin cho du khách mà còn là cách quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hóa tới hàng nghìn lượt du khách tham quan ở các điểm du lịch” – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Nguyễn Thế Minh cho biết.
Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, toàn Đoàn đã chú trọng chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, điểm nhấn là xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ… Trong đó, tập trung vào việc chuyển đổi hình thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, du khách ứng dụng, sử dụng các nền tảng, ứng dụng số. 13/13 tổ chức Đoàn cấp huyện trong toàn tỉnh ứng dụng công nghệ số thiết lập hệ thống địa chỉ đỏ, địa điểm du lịch, tham quan tại các địa phương trong tỉnh. Trong phong trào đã có những địa phương tiên phong, thực hiện tốt, đem lại hiệu quả như: Móng Cái, Cô Tô, Uông Bí, Cẩm Phả, Hải Hà, Đông Triều…
Các Đoàn cơ sở đã trực tiếp khảo sát nhu cầu thông tin của du khách khi đến tham quan địa chỉ đỏ, di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn, lựa chọn điểm triển khai công trình đảm bảo thiết thực, hiệu quả; chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý để tổng hợp, biên tập và xây dựng thành ấn phẩm tuyên truyền được số hóa trong các mã QR. Tại các di tích lịch sử – văn hóa, địa chỉ đỏ, các mã QR được thiết kế, xây dựng dưới dạng pano, biển bảng giới thiệu và được tuyên truyền sâu rộng trên các kênh thông tin, mạng xã hội. Việc triển khai được các cấp Đoàn thực hiện điểm tại một số di tích, sau đó nhân rộng, gắn với việc rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng của hệ thống mã QR.
Trước đó, để tạo nguồn tài nguyên số cho du lịch, góp phần quảng bá, giới thiệu về du lịch, văn hoá Quảng Ninh, Tỉnh Đoàn đã đưa ứng dụng chuyển đổi số “Bản đồ địa chỉ đỏ tỉnh Quảng Ninh” vừa giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ vừa phục vụ mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh.
Đồng thời để thực hiện việc đưa nội dung các di tích vào nền tảng số, cán bộ Đoàn các địa phương đã chủ động tìm và tham khảo, chuẩn hoá tài liệu liên quan đến các di tích. Ở nhiều nơi, cán bộ đoàn đã tiên phong triển khai sớm, sáng tạo trong nội dung. Thanh niên toàn tỉnh tiến tới xây dựng, tích hợp video clip thuyết minh, quay chụp ảnh panoroma – 360 độ để thông tin thuyết minh thêm sinh động, trực quan, phong phú.
Đến nay, các đơn vị cấp huyện đã triển khai gắn mã QR Code được 282/370 địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa với việc ứng dụng công nghệ số thiết lập thành hệ thống, du khách có thể xem được hình ảnh trực quan, đa chiều (360 độ), áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giọng nói để thuyết minh, giới thiệu, góp phần tích cực quảng bá, phát triển du lịch địa phương; lan tỏa những giá trị lịch sử ý nghĩa đến với các bạn đoàn viên, thanh niên, người dân và du khách, đồng thời khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ Vùng mỏ trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn cuộc sống.