Quảng Ninh trong nhiều năm qua đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu, coi đây là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, BVMT, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022- 2030. Đây là Nghị quyết chiến lược quan trọng, huy động sức mạnh của toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị của tỉnh trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh.
Để giải quyết hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm môi trường, tỉnh chỉ đạo tăng cường rà soát, đánh giá, nhận định những tiêu cực, tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường. Tỉnh phân định rõ nhiệm vụ trong quản lý, cải thiện chất lượng môi trường nước; quản lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trương đất đai; quản lý, cải thiện chất lượng không khí. Tỉnh triển khai hiệu quả 2 bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương (Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường trên địa bàn tỉnh; Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh).
Các địa phương trong tỉnh quan tâm cải tạo thường xuyên để phục hồi các dòng sông, đoạn sông, hồ chứa ở các đô thị bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng để ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm; triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước dưới đất. Đặc biệt tại khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; duy trì công tác giám sát chất lượng môi trường Vịnh cũng như việc chấp hành các quy định BVMT của các tổ chức, cá nhân hoạt động tại khu vực Vịnh; giám sát chặt chẽ nguồn thải xuống Vịnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh vận hành 162 trạm quan trắc môi trường tự động được đầu tư, đi vào hoạt động; trong đó có 7 trạm giám sát chất lượng môi trường nước biển ven bờ, 5 trạm giám sát chất lượng nước mặt, 16 trạm giám sát chất lượng không khí xung quanh, 47 trạm giám sát hoạt động xả khí thải, 84 trạm quan trắc giám sát nước thải… Các đơn vị chức năng tập trung quan trắc môi trường định kỳ trên phạm vi 13/13 địa phương trong tỉnh với 382 vị trí quan trắc. Trong đó có 62 vị trí quan trắc định kỳ môi trường không khí, tiếng ồn, độ rung; 124 vị trí quan trắc định kỳ môi trường nước mặt lục địa; 8 vị trí quan trắc định kỳ môi trường nước dưới đất; 99 vị trí quan trắc định kỳ môi trường nước biển ven bờ… Theo kết quả quan trắc môi trường 5 năm qua của tỉnh, các thông số môi trường cơ bản trong giới hạn cho phép.
Quảng Ninh có số lượng lớn các KCN, CCN, nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện, đơn vị sản xuất than… Tại các KCN, CCN, doanh nghiệp đã chủ động thực hiện những giải pháp giảm tối đa ô nhiễm môi trường. Các nhà máy xi măng, nhiệt điện đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, hệ thống phun sương, thiết bị kiểm soát bụi, khí thải để làm giảm đến mức thấp nhất lượng bụi phát tán vào môi trường. Các doanh nghiệp ngành Than tích cực đổi mới công nghệ khai thác, trồng cây cải tạo phục hồi môi trường, cải tạo các công trình đê, đập chắn ngăn ngừa trôi lấp đất đá, nạo vét hệ thống thoát nước, lắp đặt các công trình giảm thiểu bụi, tiếng ồn quá trình vận chuyển, sàng tuyển.
Để nâng cao chất lượng công tác BVMT, TKV chỉ đạo các đơn vị sản xuất than tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị theo hướng đồng bộ, tiến dần đến tự động hóa hoàn toàn dây chuyền sản xuất; giải quyết từ gốc những tác động của khai thác than đến môi trường. Trong các mỏ hầm lò, những dây chuyền đồng bộ không chỉ giúp các mỏ tăng năng suất, tăng sản lượng, mà còn tận thu tài nguyên hiệu quả. Suất tiêu hao gỗ chống lò trong các lò chợ giảm từ 50m3 còn 14m3/nghìn tấn than. Công tác thông gió trong các mỏ hầm lò ngày càng được quan tâm, gió sạch được đưa xuống tận những tầng than sâu nhất. Các hệ thống phun sương dập bụi được lắp đặt với mật độ lớn tại hầu hết vị trí dễ phát tán bụi. Trên các khai trường lộ thiên, hệ thống xe ô tô trọng tải lớn 90-100 tấn được đầu tư ngày một nhiều, nhằm giảm số lượng xe lưu thông trên đường mỏ, giảm phát tán bụi trong quá trình vận tải. Các thiết bị xúc bốc công suất lớn được đầu tư để đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khai thác, tăng năng suất, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế khí thải ra môi trường.
Ở nhiều địa phương, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội triển khai nhiệm vụ gắn với vận động thành viên, đoàn viên, hội viên và người dân tham gia BVMT. Nhiều hoạt động thiết thực, nhiều phong trào, mô hình tiêu biểu được tổ chức, nhân rộng. Hội LHPN tỉnh xây dựng được 1.769 mô hình phụ nữ với bảo vệ môi trường, thu hút trên 100.000 hội viên tham gia, như: “Biến rác thành tiền”; “Ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh”; “Phân loại rác tại gia đình”; “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”… Hội Nông dân tỉnh xây dựng được 640 mô hình nông dân gắn với bảo vệ môi trường, tiêu biểu: “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải thành phân bón tại nguồn”; “Cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom, xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long”. Qua đây các cấp hội nông dân phát mới cho hội viên, nông dân 45.470 thùng rác, 2,5 tấn túi nilon thân thiện môi trường để phân loại rác tại nguồn; tạo mới 3.416 bể ủ biogas, sản xuất 2.320 tấn phân vi sinh từ việc ủ rác thải sinh hoạt. Hội CCB tỉnh phát động được 9 loại mô hình “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; “Thắp sáng đường quê”…
Nhờ đó tư duy BVMT đã chuyển từ bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường, các hệ sinh thái; công tác BVMT đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội.