Phòng ngừa bục nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), đặc biệt là trong mùa mưa bão. Năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh than của TKV đang chịu ảnh hưởng của tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, số ngày mưa và tổng vũ lượng cao so với hàng năm. Việc phòng ngừa nguy cơ bục nước và kiểm soát tình trạng nước chảy trong hầm lò được Tập đoàn và các đơn vị tăng cường, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người và diện sản xuất.
Một trong những khó khăn tiềm tàng của các đơn vị sản xuất than là vấn đề xuất lộ nước trong mỏ hầm lò, được xác định từ nhiều nguồn khác nhau. Đó có thể là những khu vực chứa nước trên bề mặt địa hình như: Sông suối, ao hồ, các moong khai thác lộ thiên, bãi thải đang hoặc đã ngừng hoạt động, các khu vực bị sụt lún, nứt nẻ. Đáng chú ý là những khu vực chứa nước dưới lòng đất như: Địa tầng chứa nước, lỗ khoan địa chất, khu vực đã khai thác, hệ thống lò cũ, đứt gãy; khu vực giáp ranh chồng lấn khai thác giữa các đơn vị lộ thiên – hầm lò, hầm lò – hầm lò. Ngấm nước gây bục nước trong hầm lò cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn lao động của ngành than thế giới và Việt Nam.
Anh hùng lao động Nguyễn Văn Tía là một trong những người đã từng chứng kiến thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc” của Than Mạo Khê khi mỏ này xảy ra vụ bục nước vào năm 2000. “Sự cố đã khiến gần 80m3 nước đổ xối xả xuống đường lò gây sập toàn bộ giàn chống thủy lực trị giá 4 tỷ đồng. Nhờ nỗ lực ứng cứu không ngừng, chúng tôi đã cứu được mỏ và đảm bảo an toàn cho người cùng hệ thống giàn chống” – ông Tía nhớ lại.
Những giai đoạn sau này, khi công nghệ khai thác than ngày một phát triển, nguy cơ bục nước đã được phòng ngừa và kiểm soát tốt hơn ở Than Mạo Khê. Tuy nhiên, với tính chất phức tạp đặc thù của các gương tầng địa chất, đây vẫn là vấn đề khó khăn hiện hữu với đơn vị.
Để công tác phòng ngừa luôn đi trước một bước, các bước thăm dò địa chất, xác định đối tượng chứa nước được đơn vị thực hiện tỉ mỉ bằng nhiều phương pháp. Căn cứ vào kế hoạch khai thác hàng năm và dựa trên cơ sở các tài liệu địa chất thủy văn – địa chất công trình, cập nhật hiện trạng khai thác, đơn vị sẽ xác định, khoanh vùng các đối tượng chứa nước từ đó xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Công ty Than Thống Nhất cũng là một trong những mỏ khai thác than hầm lò có sản lượng lớn ở vùng Cẩm Phả. Ngoài những khó khăn về địa chất, Thống Nhất còn phải đối mặt với những áp lực đặc thù từ những địa tầng chứa nước. Trong bối cảnh diện sản xuất ngày càng xuống sâu, địa chất phức tạp khó thăm dò tỉ mỉ, điều kiện thời tiết mưa bão ngày càng cực đoan, vấn đề kiểm soát những nguy cơ từ các địa tầng chứa nước càng được đơn vị quan tâm đặc biệt.
Đối với nước trên mặt bằng, Than Thống Nhất đang phối hợp với các đơn vị khai thác than lộ thiên phía trên diện sản xuất hầm lò của đơn vị là Công ty CP Than Đèo Nai – Cọc Sáu và Công ty Khe Sim để tổ chức san gạt địa hình có nguy cơ tụt lún, nứt nẻ, đảm bảo không đọng nước trên bề mặt. Với các diện sản xuất trong hầm lò, đơn vị siết chặt các biện pháp chi tiết về thăm dò, thi công khoan tháo nước, tách nước nhằm đảm bảo điều kiện làm việc an toàn.
Ông Vũ Hữu Tuyến, Trưởng phòng Kỹ thuật – Công nghệ Mỏ, Công ty Than Thống Nhất cho biết: Hàng năm, chúng tôi lập kế hoạch và biện pháp thi công trình TKV, sau đó ban hành trong công ty để thực hiện bước khoan thăm dò với những lỗ khoan tầm dài và tầm trung. Theo kế hoạch TKV giao, năm 2024, Than Thống Nhất sẽ thực hiện xấp xỉ 4.000m khoan. Ngoài ra, đơn vị cũng tự tổ chức rà soát những diện sản xuất có nguy cơ chứa nước để khoan bổ sung.
“Trong các biện pháp phòng ngừa và triệt tiêu nguy cơ về bục nước, khoan thăm dò tháo nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Theo kinh nghiệm, trong quá trình khai thác hay xây dựng mỏ hầm lò, khi phát hiện những vết nứt, hoặc các vị trí có hiện tượng rò rỉ nước từ các gương lò thì rất có thể hệ thống khai thác đang tiến dần đến các túi nước, tiềm ẩn nguy cơ bục nước. Việc cần làm ngay là phải khoan thăm dò tháo nước để đảm bảo an toàn. Kế hoạch năm 2024, TKV sẽ thực hiện trên 48 nghìn mét khoan thăm dò phòng ngừa bục nước” – ông Đỗ Mạnh Cường, Trưởng ban Kỹ thuật – Công nghệ mỏ TKV cho biết thêm.
Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình mưa bão những tháng còn lại của năm 2024 có xu hướng gia tăng về tần suất, cường độ, diễn biến khó lường. Để chủ động phòng ngừa nguy cơ bục nước, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc TKV yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra bề mặt địa hình phía trên các diện khai thác, đào lò nhằm kịp thời phát hiện, tổ chức san lấp vị trí nứt, sụt lún, nhất là các khu vực dưới moong khai thác… để hạn chế tối đa nước mặt xâm nhập xuống hầm lò. Tập đoàn cũng đặc biệt yêu cầu các đơn vị khai thác than hầm lò có khai thác vỉa dầy, có thu hồi than nóc phải rà soát lại địa hình; trong đó nếu có tình trạng ngấm nước thì dừng khai thác để thực hiện khoan thăm dò.
Giai đoạn 2020 đến nay, TKV đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp 4 Giấy phép thăm dò và 9 Đề án thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi các Giấy phép khai thác. Theo đó, khối lượng các lỗ khoan thăm dò thực hiện phục vụ công tác đo thủy văn của các giấy phép, đề án này là 27 lỗ khoan/16.605 mét khoan. Các lỗ khoan đang được thi công đảm bảo tiến độ của các giấy phép và đề án thăm dò.
Không chỉ đảm bảo công tác khoan thăm dò một cách chi tiết, tỉ mỉ, các đơn vị cần thường xuyên cập nhật mức nước tại các lỗ khoan quan trắc thủy văn để đánh giá quy mô, mức độ ảnh hưởng của các đối tượng chứa nước, trên cơ sở đó có biện pháp tháo khô đảm bảo an toàn cho diện sản xuất; đảm bảo năng lực các trạm bơm thoát nước trong hầm lò; triển khai phương án chống ngập mỏ trong mùa mưa bão. Ngoài ra, TKV cũng khẩn trương rà soát tổng thể quy trình quản lý, điều kiện công nghệ, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao trình độ tay nghề, nhận thức cho đội ngũ cán bộ và công nhân lao động về công tác phòng ngừa bục nước.