Đầu tư công được tỉnh Quảng Ninh xác định là nguồn động lực chính cho tăng trưởng kinh tế hằng năm, từ đó, tỉnh luôn chủ động tính toán, cân đối, bố trí nguồn vốn từ xa, từ sớm nhằm đảm bảo nguồn vốn được đầu tư tập trung, phát huy hiệu quả nguồn lực, tránh lãng phí và nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB).
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh tại Kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh là trên 12.000 tỷ đồng, giảm trên 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm. Hiện đã thực hiện giải ngân đạt trên 41% kế hoạch. So với cùng thời điểm năm 2023, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt thấp hơn (44,6%).
Từ những tính toán nguồn thu ngân sách và nhu cầu sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, trình HĐND tỉnh và đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 212/NQ-HĐND ngày 10/7/2024, với tổng nguồn vốn đầu tư công dự kiến năm 2025 là trên 13.400 tỷ đồng, bao gồm: Vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương trên 557 tỷ đồng; vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương trên 12.800 tỷ đồng (ngân sách tỉnh trên 9.800 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 3.000 tỷ đồng).
Nguồn vốn đầu tư công năm 2025 sẽ được HĐND tỉnh và HĐND các địa phương phân khai chi tiết cho các dự án, đảm bảo nguyên tắc theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết số 303/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về “Phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025”, Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 303/NQ-HĐND” và các văn bản pháp luật có liên quan.
Cùng với đó, nguồn vốn sẽ được phân bổ bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng miền, trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện KT-XH khó khăn. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư công năm 2025 sẽ phân bổ đầu tư tập trung, không phân tán, dàn trải; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn; bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư sau phân cấp, không để phát sinh nợ đọng XDCB.
Nguồn vốn đầu tư công năm 2025 sẽ có thứ tự ưu tiên phân bổ cho thanh toán nợ XDCB (nếu có); thu hồi vốn ứng; các dự án đã quyết toán, dự án đã hoàn thành, đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn thực hiện các dự án chuyển tiếp, đặc biệt các dự án trọng điểm, động lực có tầm ảnh hưởng lớn; các dự án chuyển tiếp sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm cả vốn đối ứng) để hoàn thành dứt điểm; các chương trình, dự án theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh; vốn chuẩn bị đầu tư, thực hiện nhiệm vụ quy hoạch; vốn cho các dự án khởi công mới, trong đó tập trung cho các dự án trọng điểm còn lại theo Nghị quyết số 304/NQ-HĐND ngày 9/12/2020.
Từ những mục tiêu, nguyên tắc đề ra, dự kiến nguồn ngân sách trung ương sẽ được phân bổ cho dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến Đông Triều (giai đoạn 1). Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh sẽ dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương theo tiêu chí chấm điểm; trên 780 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 310 tỷ đồng cho các dự án hoàn thành trước năm 2023 chưa bố trí đủ vốn; trên 5.600 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp và trên 2.000 tỷ đồng cho các dự án khởi công mới.
Được biết, trong năm 2025, ngoài 39 dự án chuyển tiếp, tỉnh Quảng Ninh sẽ có khoảng 10 dự án khởi công mới thuộc các ngành, lĩnh vực. Trong đó, ngành giao thông sẽ có 2 dự án; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1 dự án; giáo dục và đào tạo 1 dự án; y tế 2 dự án; văn hóa 1 dự án… Những dự án, công trình này khi được đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật, thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh trong chặng đường phía trước.