Chỉ còn gần 3 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm rất lớn. Nỗi lo của người tiêu dùng là giá các mặt hàng này liệu có tăng.
Chủ động nguồn cung
Lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu. Như thường lệ, vào dịp Tết Nguyên đán, sức mua các mặt hàng này gia tăng đột biến.
Năm nay, dù kinh tế khó khăn, nhưng theo các doanh nghiệp bán lẻ, người tiêu dùng vẫn duy trì những mặt hàng thiết yếu, quà biếu tặng dịp Tết, sức mua không giảm, song họ sẽ tính toán tối ưu hóa chi tiêu theo nhu cầu của gia đình. Đáng lưu ý là xu hướng mua sắm cầm chừng, kể cả trong thời gian cao điểm.
Tại Hà Nội, thời điểm này, các hộ nông dân trồng rau vụ đông đang tích cực chăm sóc, thu hoạch, đồng thời gieo trồng các loại rau ngắn ngày gối vụ để cung cấp nguồn rau xanh cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, với diện tích 250 ha trồng các loại rau, mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn rau các loại. Ngoài ra, vào những ngày cận Tết, Hợp tác xã còn liên kết sản xuất với các vùng rau lân cận để tăng sản lượng lên gấp 2 – 3 lần so với ngày thường.
Theo Bộ Công thương, việc tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trước và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội.
|
Tương tự, ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) chia sẻ, để chuẩn bị nguồn cung thịt lợn cuối năm, doanh nghiệp đã liên kết với các trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường khoảng 300 – 400 tấn thịt trong và sau Tết Nguyên đán.
Trao đổi về tình hình cung ứng nông sản, thực phẩm cho thị trường dịp Tết, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay, Hà Nội là địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Ước tính, tổng giá trị nông sản phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với dịp Tết năm 2023).
Để bảo đảm hàng hóa cho thị trường dịp Tết, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn. Trong đó, gạo từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; rau, củ, quả từ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng; trái cây từ Hưng Yên, Hải Dương, các tỉnh phía Nam; thủy, hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An…
Đảm bảo bình ổn giá
Vấn đề bình ổn giá nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Để các mặt hàng không tăng giá, nhiều nhà bán lẻ đã có kế hoạch dự trữ hàng từ sớm.
Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Giáp Thìn, các đơn vị trực thuộc và công ty thành viên Hapro đã lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ với số lượng hàng hóa trị giá 1.000 tỷ đồng, trong đó gồm lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội.
“Hapro dự trữ các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy – hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo… Ngoài ra, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như măng, miến, mộc nhĩ và các loại quả, hạt khô phục vụ Tết; các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm”, ông Sơn thông tin.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công thương đã chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Không chỉ chú trọng đáp ứng số lượng, việc bảo quản các mặt hàng nông sản, thực phẩm trước và trong dịp Tết Nguyên đán cũng được các cơ quan quản lý thị trường giám sát chặt chẽ. Lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của TP. Hà Nội sẽ rà soát lại hệ thống lưu trữ, phân phối, để bảo đảm chất lượng thực phẩm và sự chủ động cao nhất trong cung ứng.
Trước đó, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất – kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, ông Ngô Hồng Phong, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường lưu ý các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục quản lý chặt chẽ các giấy chứng nhận. “Không phải đơn vị nào có giấy chứng nhận cũng hoạt động tốt. Tiền kiểm thông thoáng để tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, nhưng hậu kiểm phải làm chặt và xử lý nghiêm”, ông Phong nêu rõ.
Đặc biệt, tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ lớn, có mối nguy cao. Đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định khi cần thiết, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.