Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tới gần, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân đang có xu hướng tăng. Để chủ động nguồn cung hàng hóa và ổn định giá cả, các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, nhà phân phối đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ tăng trung bình từ 5 đến 20% so với kế hoạch phục vụ Tết năm trước, kèm theo nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá, kích cầu mua sắm; trong đó, tập trung chủ yếu với một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường,…
Theo dự báo của Bộ Công thương, sức mua của người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025 có thể tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp, nhà phân phối được yêu cầu chủ động trong điều phối hàng hóa, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Dự trữ hàng hóa sớm, đa dạng
Năm nay, Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ gần nhau nên sức mua của người dân sẽ diễn ra nhanh, dồn dập trong thời gian ngắn. Vì vậy, để bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường với chất lượng tốt, giá cả ổn định, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối đã có sự chuẩn bị, dự trữ hàng hóa từ rất sớm, đa dạng về chủng loại, mẫu mã.
Trong đó, các mặt hàng như thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo và quà Tết đều được dự trữ tăng từ 15 đến 20% so với năm trước. Thậm chí, các doanh nghiệp còn tìm kiếm thêm nhiều đối tác cung cấp, tối ưu hóa chi phí nhằm chủ động điều phối hàng hóa khi thị trường có dấu hiệu “tăng nhiệt”.
Là doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm thịt tươi sống, dịp Tết năm nay, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đang đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Tết. Dự kiến, công ty cung ứng ra thị trường gần 930 tấn thực phẩm tươi sống (tăng 5% so với Tết năm trước) và 3.700 tấn thực phẩm chế biến (tăng 8% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, Vissan dự trữ thêm 10- 20% lượng hàng để ứng phó với các tình huống khan hiếm đột biến. Với hơn 120 nghìn điểm bán hàng trên toàn quốc, Vissan cam kết cung cấp thực phẩm tươi ngon và an toàn đến tay người tiêu dùng, đồng thời triển khai đa dạng chương trình khuyến mãi hằng tuần, triển khai ưu đãi giá từ 10 đến 20% cho một số sản phẩm thiết yếu.
Không chỉ đối với các doanh nghiệp thực phẩm tươi sống, đây cũng là “thời điểm vàng” của các cơ sở, doanh nghiệp trong ngành bánh kẹo. Nhiều thương hiệu bánh kẹo lớn trong nước đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu mã với giá cả cạnh tranh nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, cũng như làm chủ thị trường trong nước.
Với kế hoạch cung cấp 5.000 tấn bánh kẹo các loại, cùng 6 triệu hộp quà biếu, Công ty cổ phần Bibica đã chuẩn bị nguyên liệu ngay từ đầu tháng 9/2024 nhằm bảo đảm lượng hàng hóa và chi phí đầu vào ổn định. Phần lớn các sản phẩm của Bibica vẫn giữ giá bình ổn, nhưng một số mặt hàng thủ công có thể điều chỉnh tăng nhẹ 3-5% so với năm trước do chi phí lao động tăng cao.
Cùng với doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp phân phối lớn thời điểm này cơ bản chuẩn bị tốt nguồn hàng dự trữ dịp Tết Nguyên đán. Đơn cử, hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam đặt mục tiêu lượng dự trữ hàng hóa tăng 20-30%, thậm chí tăng đến 50% đối với các sản phẩm được ưa chuộng trong dịp Tết. Aeon cũng triển khai ưu đãi, giảm giá lên đến 30-40% nhiều mặt hàng. Đặc biệt, các dòng sản phẩm thiết yếu mùa Tết như trái cây tươi, bánh kẹo, giỏ quà Tết, thịt và hải sản,… được tăng cường ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng.
Theo Giám đốc Siêu thị WinMart Royal City Phạm Thế Chiến, hệ thống WinMart đã chuẩn bị kỹ càng, làm việc với các nhà cung cấp từ trước Tết 2-3 tháng để tối ưu nguồn hàng hóa, bảo đảm nguồn hàng dự trữ tăng 20%, nhất là các sản phẩm chủ lực như bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, qua đó bảo đảm được nguồn cung, tiết giảm chi phí không cần thiết giúp giá cả không bị biến động so với mọi năm.
Bám sát diễn biến thị trường
Cả doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối đều chuẩn bị tốt việc dự trữ và cung ứng hàng hóa ra thị trường, song vẫn đang hồi hộp chờ đón sức mua sắm của người dân trong 1-2 tuần trước Tết. Điều các doanh nghiệp lo lắng nhất là thực tế thị trường trong 1-2 tuần trở lại đây, tuy nhu cầu mua sắm tăng nhưng chưa mạnh. Do đó, để kích cầu, các nhà sản xuất và phân phối sẽ triển khai thêm chương trình khuyến mãi, thậm chí tính toán giảm lợi nhuận với một số nhóm hàng để bảo đảm kế hoạch tiêu thụ đã đề ra trước đó.
Hệ thống siêu thị Lotte Mart đã bắt đầu tham gia “đường đua” khuyến mãi Tết bằng chương trình giảm giá với một số mặt hàng; đồng thời, áp dụng giá sốc cuối tuần dành cho khách hàng thành viên, ưu đãi khách hàng thành viên có đơn hàng từ 200 nghìn đồng. Cùng với đó là chính sách giảm giá, chiết khấu giỏ quà Tết và trao quà tặng khách hàng mua sắm Tết sớm.
Còn Giám đốc thương mại MM Mega Market Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cũng cho biết, trung tâm sẽ giảm giá lên đến 12% các đơn hàng Tết sớm, thậm chí khuyến mãi mua 2 tính tiền 1, giảm giá tới 50% đối với nhiều mặt hàng xuyên suốt dịp Tết.
Để tăng sức mua của người dân, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, nhà phân phối, nhiều bộ, ngành liên quan và các địa phương tích cực triển khai kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng trong dịp Tết.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn đã dự trữ gần 300 nghìn tấn gạo, gần 60 nghìn tấn thịt lợn hơi, gần 20 nghìn tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 tấn thủy sản, 1.575 tấn bánh mứt kẹo,… Cùng với việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, để tạo thuận tiện cho người dân mua sắm, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn,…
Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh triển khai hàng loạt chương trình bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng đến người dân và nhận được sự đồng thuận, đồng hành từ nhiều doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.
Lượng hàng bình ổn giá tăng 4-6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng ra thị trường 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến,… Trong vòng một tháng trước và sau Tết, giá cả những mặt hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường, lương thực thực phẩm thiết yếu trên địa bàn sẽ được giữ cố định, không thay đổi.
Với kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ hàng của các doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối đều tăng so với năm trước, nguồn cung dịp Tết Nguyên đán cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu; giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường bình ổn, không có chuyện khan hàng, sốt giá. Các cơ quan quản lý khuyến cáo người dân không cần mua tích trữ lượng lớn hàng hóa.
Để tăng sức mua của người dân, Bộ Công thương đang tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và địa phương kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại, triển khai đồng bộ hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cả nước được yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm, nhất là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao như bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm tươi sống…, tránh xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tạo “sốt ảo”, giúp nhân dân đón Tết vui tươi, đầm ấm.