Theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cá nhân kinh doanh nếu có phát sinh doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Số thuế phải nộp được xác định theo tỷ lệ % trên doanh thu. Tỷ lệ % (thuế suất) áp dụng đối với cá nhân kinh doanh theo lĩnh vực ngành nghề quy định tại biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Cá nhân bán hàng online nộp thuế TNCN với thuế suất 0,5%, thuế GTGT với thuế suất 1%. Cá nhân có thu nhập từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số, dịch vụ khác nộp thuế TNCN với thuế suất 2%, thuế GTGT với thuế suất 5%.
Thống kê của ngành thuế cho thấy, hiện có 412 sàn thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin, qua đó ghi nhận hơn 191.000 nhà bán hàng với giá trị giao dịch gần 72.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hàng trăm nghìn người bán hàng online thông qua mạng xã hội Zalo, Faebook… Tuy nhiên, tình trạng trốn thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn diễn ra tinh vi và phức tạp.
Trong năm 2024, riêng cơ quan thuế Hà Nội đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an kiến nghị phối hợp xác minh điều tra đối với gần 1.900 người nộp thuế; đồng thời nhận được gần 800 đề nghị của cơ quan Công an về việc cung cấp hồ sơ liên quan hơn 2.000 lượt người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm.
Cuối năm 2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường, 38 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội để điều tra về hành vi trốn thuế. Cường đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản trên sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… để bán điện thoại, phụ kiện. Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2019 đến khi bị phát hiện, doanh thu bán hàng là hơn 160 tỷ đồng, nhưng Cường đã che giấu doanh thu để trốn thuế khoảng 2,5 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2024, Tổng cục Thuế đã đưa vào diện rà soát nghĩa vụ thuế đối với 76.428 người; trong đó, phát hiện và xử lý vi phạm khoảng 30.000 người với tổng số tiền truy thu, xử phạt hơn 1.200 tỷ đồng.
Cơ quan thuế gặp không ít khó khăn, nhất là đối với những đối tượng cố tình thực hiện những hành vi gian lận, trốn thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Từ ngày 19/12/2024, ngành thuế đã vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, nhằm hỗ thêm một kênh thực hiện nghĩa vụ thuế thuận tiện cho hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.
Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Lưu trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định trách nhiệm của nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nền tảng số (bao gồm tổ chức trong nước và nước ngoài) trong việc khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế khấu trừ thay cho hộ, cá nhân kinh doanh và quy định việc trực tiếp khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Với quy định này, thay vì hàng trăm nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch thương mại điện tử khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ; qua đó góp phần giảm chi phí toàn xã hội, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phát triển. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/4/2025.
Cùng với các biện pháp nói trên, thời gian tới, ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, công khai các vụ việc gian lận, trốn thuế lớn. Ngành thuế cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó, xây dựng các quy định chi tiết về quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử, bao gồm yêu cầu đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, quy định về trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử; phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra các tài khoản có doanh thu lớn, kịp thời phát hiện hành vi trốn thuế.