Còn hai tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán 2024 nhưng thị trường vé máy bay Tết biến động mạnh về giá. Vé rẻ gần như “biến mất”, chỉ có hạng vé giá cao được mở bán. Thậm chí một số chặng bay bắt đầu khan vé, hết vé.
Các hãng bay cắt giảm hàng chục ngàn chuyến bay. Quy mô đội tàu bay thu hẹp đến mức tối thiểu để duy trì giấy phép bay. Có hãng gặp áp lực nợ với đối tác, khả năng dừng cung cấp dịch vụ và kiện tụng xảy ra…
Giá vé máy bay Tết kịch trần, quá ít lựa chọn
Sau khi sắp xếp được thời gian để lên kế hoạch về Đà Nẵng đón Tết, chị Thùy Dung (quận Phú Nhuận, TP.HCM) vào trang web của các hãng hàng không để tìm hiểu và choáng váng khi thấy giá vé máy bay dịp Tết cao gấp đôi so với ngày thường.
“Thông thường chặng bay từ TP.HCM – Đà Nẵng, giá vé bay dao động 800.000 – 1,2 triệu đồng/vé nhưng dịp Tết đã tăng trên 2 – 2,4 triệu đồng/vé. Dù mua trước hơn hai tháng nhưng vé Tết vẫn ở mức khá cao” – chị Thùy Dung nói.
Khảo sát website của các hãng bay, chúng tôi ghi nhận giá vé máy bay khứ hồi cho chặng TP.HCM – Hà Nội đi vào ngày 8-2-2024 (29 tháng chạp) và chiều ngược lại ngày 14-2-2024 (mùng 5 tháng giêng) của Vietnam Airlines và Bamboo Airways ở hầu hết các khung giờ đều khoảng 7 triệu đồng/vé và vé bay Vietjet là 6,4 triệu đồng/vé.
Tương tự với chặng TP.HCM – Vinh, giá vé Vietjet là 5,6 triệu đồng, Bamboo Airways là 7,1 triệu đồng và Vietnam Airlines là 8,2 – 9 triệu đồng… Chặng bay từ Hà Nội – Phú Quốc vào dịp Tết, giá vé rẻ nhất cũng lên tới 7 triệu đồng/vé (đã bao gồm thuế, phí).
Không chỉ giá vé bay Tết năm 2024 kịch trần, khách hàng cũng có ít lựa chọn về dải vé so với năm ngoái. Chưa kể một số chặng bay chưa Tết đã bắt đầu khan hiếm vé, như TP.HCM – Đà Nẵng vào các ngày cận Tết của Vietnam Airlines đã hết hạng vé phổ thông, chỉ còn hạng thương gia.
Trong khi đó các đại lý bán vé máy bay đều than thở không khí mua vé máy bay Tết đang trầm lắng. Khách chủ yếu hỏi giá chứ chưa vội mua, chờ vé “hạ nhiệt” khi hãng bay có các đợt tăng chuyến. Theo anh Nguyễn Minh, đại diện một công ty du lịch tại TP.HCM, vé Tết 2024 sẽ không có giá rẻ, thậm chí tăng mạnh sát Tết.
Theo anh Minh, nguyên nhân là thị trường nội địa có 6 hãng bay nhưng có 3 hãng thu hẹp 30-50% số lượng máy bay. Vietnam Airlines và Vietjet vẫn chưa có thông tin sẽ tăng thêm máy bay phục vụ Tết, trong khi nhu cầu đi lại vào dịp Tết tăng mạnh.
“Mua vé máy bay khứ hồi về quê ăn Tết như TP.HCM – Vinh giá hơn 6 triệu đồng, gần bằng tháng lương của công nhân. Túi tiền eo hẹp, nguồn cung lại co hẹp, giá vé neo cao, tôi cho rằng Tết này sẽ có nhiều thay đổi về nhu cầu” – anh Minh nhận định.
Các hãng bay có làm giá?
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không VN, 10 tháng đầu năm 2023, toàn ngành hàng không khai thác tổng cộng 241.177 chuyến bay, giảm gần 20.000 chuyến so với cùng kỳ 2022. Một số hãng bay thực hiện các giải pháp tái cấu trúc, từ thay đổi bộ máy tổ chức, phương án kinh doanh đến cắt giảm đội bay và sản lượng khai thác… để ổn định hoạt động và tìm kiếm cơ hội phát triển.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cũng cho thấy tính đến giữa tháng 11-2023, các hãng bay VN như Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines tiếp tục giảm tàu. Chẳng hạn, Bamboo Airways từng khai thác 30 máy bay nhưng nay chỉ còn 11 chiếc, Pacific Airlines từ 11 máy bay giảm xuống còn 6 máy bay. Tương tự, Vietravel Airlines từ 6 máy bay nhưng chỉ còn 3 máy bay. Trong khi đó, Vietnam Airlines và Vietjet đang duy trì gần 100 máy bay/hãng.
Lãnh đạo cấp cao của một hãng bay thừa nhận khả năng thêm tàu giai đoạn này sẽ rất khó bởi sau dịch, gần như lợi nhuận tích lũy nhiều năm đã bị cuốn bay hết, càng bay càng lỗ. Chủ tàu (đơn vị cho thuê máy bay) đang ráo riết thu hồi máy bay khi hãng bay Việt nợ quá hạn, trong khi giá thuê máy bay trên thị trường đang tăng vọt, càng thúc đẩy chủ tàu thu hồi mạnh tay hơn.
“Nếu bị thu hồi tàu, hãng bay sẽ gặp khó ngay cao điểm Tết, không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của khách đang tăng cao” – vị này nói. Theo đại diện Bamboo Airways, hãng đang tập trung tái cấu trúc đội bay, giảm các đường bay không hiệu quả. Về lâu dài hãng sẽ có tính toán từng loại máy bay phù hợp, đảm bảo hiệu quả đưa vào khai thác.
Trong dịp cao điểm cuối năm nay, hãng sẽ tính toán để có sự cạnh tranh trên các đường bay đông khách như TP.HCM đi Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang… Còn theo đại diện Vietravel Airlines, vé máy bay Tết năm nay không chỉ có sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không mà còn là sự cạnh tranh giữa thị trường hàng không với thị trường đường bộ và đường sắt.
Theo ông Đinh Việt Sơn, phó cục trưởng Cục Hàng không, ngoài những giải pháp hỗ trợ các hãng vượt qua khó khăn, cơ quan này cũng khuyến khích các hãng bay đảm bảo lực lượng vận tải và tăng năng lực khai thác, đề xuất tăng khung giá vé máy bay nội địa cùng các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất…
Ngoài ra cơ quan này cũng sẽ báo cáo Bộ GTVT để chỉ đạo các doanh nghiệp đường sắt, đường bộ tăng năng lực vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết nhằm “chia lửa” với hàng không, giảm áp lực lên giá vé máy bay.