Khi một bộ phim có nhiều luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, gây tranh cãi trong dư luận, nhà sản xuất và khán giả mong chờ sự vào cuộc của giới phê bình điện ảnh.
Số lượng phim nhiều nhưng ít phim hay
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, ai cũng có thể đưa ra ý kiến. Một bộ phim ra rạp được cộng đồng mạng soi xét, bàn tán là chuyện không tránh khỏi. Thậm chí, nhiều khán giả không xem phim, nhưng vẫn bình phẩm, chê bai tác phẩm.
Như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng thẳng thắn nói về phản ứng của một bộ phận khán giả đối với phim “Đất rừng phương Nam”: “Có rất nhiều người công kích phim, thậm chí họ thóa mạ. Tôi có đọc hết và tôi thấy rất nhiều, có thể nói là đa phần những người cực đoan đó là chưa xem phim”.
Nhiều năm gần đây, thành công của một phim điện ảnh ra rạp thường được đánh giá bằng doanh thu. Thực tế, không phải doanh thu cao tức là phim chất lượng, ngược lại, có những phim doanh thu thấp nhưng lại được đánh giá chỉn chu, có giá trị nghệ thuật.
Năm qua, có những tác phẩm khiến cả nước xôn xao, nóng cả diễn đàn Quốc hội nhưng lại thiếu vắng ý kiến phân tích, dẫn dắt của các nhà phê bình chuyên nghiệp. Hàng chục tạp chí chuyên ngành trong cả nước đang hoạt động nhưng gần như không có tiếng nói trong đời sống văn hóa nghệ thuật của cộng đồng, đặc biệt mảng điện ảnh.
Tại Hội thảo khoa học toàn quốc Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển diễn ra hôm 12.12, TS Ngô Phương Lan – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá, hiện tại, vai trò của các nhà phê bình, lý luận điện ảnh đã có sự thay đổi. Ở thời kỳ bao cấp, nhà phê bình gần như đồng hành cùng các tác phẩm điện ảnh, góp ý và nhận xét từng khâu. Sang thời kỳ đổi mới, hội nhập, nhiều phim bắt đầu theo xu hướng giải trí, ta chưa có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn mạnh như giai đoạn trước.
Theo tiến sĩ, vì không có những tác phẩm có sức nặng, nên công việc của các nhà phê bình cũng bị hạn chế. Mỗi mùa lễ, mùa Tết, nhiều phim có doanh thu cao nhưng cũng chỉ chiếu một thời gian rồi rút khỏi rạp, không để lại dấu ấn trong dòng chảy điện ảnh.
Thực trạng đáng buồn
Nói về lý do các nhà phê bình điện ảnh “bỏ mặc” các phim quay cuồng trong bão tố dư luận, TS. Ngô Phương Lan cho biết: “Một người lên tiếng thì quá đơn độc. Một bài viết phê bình điện ảnh cũng không xoay chuyển được tình thế. So với hàng trăm nhà báo viết về điện ảnh và hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu người tham gia mạng xã hội “soi phim” thì nhà phê bình điện ảnh hiện quá đơn độc. Chúng tôi cần một diễn đàn lớn để làm điều này; cần sự vào cuộc của nhiều người với tư cách là nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp”.
Trong công tác đào tạo chuyên ngành lý luận phê bình sân khấu và điện ảnh, việc tuyển sinh rất khó khăn. Số người thi thậm chí ít hơn chỉ tiêu được tuyển. Các thí sinh không muốn chọn một nghề mà khi ra trường họ khó tìm việc. Đó là nghề không dễ kiếm tiền, dù được coi trọng trên lý thuyết nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Vì vậy, đội ngũ phê bình điện ảnh đã mỏng, nay lại thiếu hụt thế hệ kế cận.
Trong tham luận gửi Hội thảo khoa học toàn quốc Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển, nhà phê bình Nguyễn Thị Nam khẳng định, phê bình điện ảnh, nhìn từ góc độ tự thân vì chưa phát huy được giá trị của mình, không làm được việc hướng dẫn sáng tác nên cũng không được coi trọng trong sinh hoạt nghề nghiệp nói chung.
Phê bình điện ảnh hiện nay không có “đất diễn” do không có nhiều phim đáng được viết độc lập theo đúng kiểu cách, cũng không nhiều vấn đề để viết.
“Phê bình điện ảnh ở Việt Nam hiện không làm được – không có điều kiện làm đúng chức năng của việc định giá và thúc đẩy chất lượng phát triển phim. Lại ít có phim đáng được viết trong thực tế sáng tác. Dù do khách quan hay chủ quan, phê bình điện ảnh chưa phát triển được như mong muốn hiện nay là thực trạng đáng buồn, không nên tồn tại mãi”, bà Nguyễn Thị Nam nhấn mạnh.
Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang bàn về công nghiệp hóa điện ảnh, việc không có được lực lượng phê bình chuyên nghiệp, có tiếng nói – cũng là một thiếu hụt lớn.