Xuân về với những cơn mưa nhỏ thấm xuống từng lớp đất, đó là thời điểm mùa trồng rừng bắt đầu. Giống như nhiều chủ rừng, anh Chìu A Sám (thôn khe 10, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cũng khẩn trương phát dọn thực bì, chuẩn bị cây giống, phân lót, phân thúc, chuẩn bị nhân lực, vật lực để cuốc hố, trồng cây.
Mùa trồng rừng năm 2025 đối với anh Sám có rất nhiều khác biệt so với những mùa trồng rừng trước đó, bởi gần như toàn bộ 20ha rừng sản xuất của gia đình anh đã bị gãy đổ do bão số 3 (Yagi). Tình hình hiện tại đặt ra yêu cầu anh Sám phải nhanh chóng trồng rừng để bù đắp cho diện tích bị thiệt hại. Bắt tay làm lại từ đầu, anh Sám cùng các thành viên trong gia đình quyết tâm vượt khó, nỗ lực trồng cây làm xanh lại những cánh rừng của gia đình như đã từng có.
Anh Sám tâm sự: Sau cơn bão, nếu kiểm đếm thiệt hại bằng tiền, gia đình chúng tôi mất đến vài tỷ đồng. Giờ trồng lại rừng cũng phải bỏ vốn đến cả trăm triệu đồng, đó là con số không hề nhỏ ở thời điểm này. Thế nhưng, cứ ngồi đó mà tiếc nuối cũng không được, tôi quyết tâm làm lại, phải bám cây, bám rừng. Tôi tin tưởng gia đình sẽ lại có những cánh rừng xanh tốt và rừng lại mang đến nguồn thu nhập cao, ổn định cho chúng tôi.
Vùng đất thôn Khe 10 chủ yếu là rừng núi. Sinh ra và lớn lên ở đây, anh Chíu A Sám đã gắn bó với rừng, lấy rừng làm kế sinh nhai, làm nguồn thu nhập chính. Với sức vóc khoẻ mạnh của người dân bản địa, cộng với bản tính cần cù chịu khó, cũng như khả năng trồng, chăm sóc, khai thác gỗ rừng trồng, anh Sám cùng gia đình đã từng bước làm giàu từ rừng. Đặc biệt kể từ khi thôn Khe 10 được đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM, mỗi vụ thu hoạch rừng, gia đình anh Sám thuận lợi thu về vài trăm triệu đồng.
Anh Sám chia sẻ: Đất rừng ở đây giàu dinh dưỡng, lượng mùn cao, khí hậu ẩm, thích hợp cho cây rừng phát triển. Đối với trồng keo, chỉ sau 6 năm đã có thể được thu hoạch, giá trị đạt 60-80 triệu đồng/ha, nếu để tuổi cây keo đến 8-10 năm mới thu hoạch thì giá trị đạt cao hơn, trừ chi phí đầu tư phân, giống và nhân công chăm sóc, gia đình tôi có lãi hơn một nửa tổng doanh thu.
Chính nhờ nguồn thu từ rừng, người dân thôn Khe 10 trong đó có gia đình anh Chìu A Sám đã có sự đổi thay rõ rệt. Anh Sám xây sửa được nhà ở to đẹp, khang trang, chăm lo, nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn, là một trong những hộ đạt mức thu nhập cao trong thôn.
Bước vào vụ trồng rừng năm 2025, anh Sám đề ra mục tiêu trồng khoảng 10ha rừng, trong đó cùng với trồng cây keo để sớm có nguồn thu, anh Sám cũng trồng các loại cây gỗ lớn, cây bản địa, trồng rừng theo phương pháp hữu cơ, ưu tiên các loại cây mang giá trị kinh tế cao như quế, lim. Anh Sám cũng thí điểm trồng dược liệu dưới tán rừng, lấy đó làm nguồn thu trước mắt để phục vụ mục tiêu trồng lại những cánh rừng xanh tươi, bền vững.