Ngày 11.11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng. Trên thực tế, thời gian qua, giữa những khó khăn, thách thức, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, giúp kinh tế vĩ mô ổn định, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi.
Đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế
Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến hết tháng 9.2024, hệ thống ngân hàng đã giải ngân gần 14,8 triệu tỉ đồng cho các lĩnh vực trong nền kinh tế. Ước tính tín dụng tăng trưởng 9% so với cuối năm 2023, tăng 16,01% so với cùng kỳ năm 2023.
Những nỗ lực từ việc mạnh dạn giao hết room tín dụng ngay từ đầu năm cho các ngân hàng, cho đến việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho cho các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng; tiếp tục quyết liệt triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thống kê cũng cho thấy, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,72%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 25,74%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 18,06%…
Năm 2024, các chương trình cho vay được các ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia tích cực, như chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản: Đến cuối tháng 6.2024, các NHTM đã giải ngân cho vay với doanh số lũy kế khoảng 35.400 tỉ đồng, với gần 9.900 lượt khách hàng vay vốn, hoàn thành tổng doanh số cam kết cho vay của Chương trình (theo quy mô 30.000 tỉ đồng). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 8.9.2024, hiện quy mô triển khai Chương trình theo đăng ký của các NHTM nâng lên 60.000 tỉ đồng.
Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, lũy kế đến cuối tháng 8.2024, đã có 72 TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 290.370 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là 249.705 tỉ đồng. Những kết quả tích cực trên giúp củng cố niềm tin vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cả năm là hoàn toàn khả thi.
Doanh nghiệp được hưởng lợi
Chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, tình hình lạm phát được kiểm soát, lãi suất đầu ra liên tục được tối ưu đã giúp cho nhiều doanh nghiệp có điều kiện phát triển.
Như ông Lê Bá Tiến – chủ doanh nghiệp khởi nghiệp tại xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa – cho biết, trong vòng 4 năm khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ của ông được sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn của Agribank Chi nhánh huyện Diên Khánh. Nguồn vốn với lãi vay ưu đãi đã giúp gia đình anh mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra đến 25 sản phẩm từ tre, đạt chuẩn OCOP 3 sao và xuất khẩu một số dòng sản phẩm.
Ông Tiến cho biết, trong nhiều năm qua, do chưa có nguồn vốn nên ông Tiến không đầu tư và phát triển mạnh được sản phẩm của mình. Câu chuyện của ông Tiến chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp, người dân đã tiếp cận 14,8 triệu tỉ đồng vốn từ ngân hàng.
Năm nay, ngoài những nỗ lực chung trong việc đẩy vốn ra nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng phải dồn sức để hỗ trợ cho khoảng 124.000 khách hàng bị ảnh hưởng sau bão Yagi.
Theo thống kê từ 26 chi nhánh NHNN các tỉnh, thành, số lượng khách hàng này có dư nợ là khoảng 192.000 tỉ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ trên địa bàn.
NHNN cho biết, tính đến nay đã có 35/40 ngân hàng gửi thông báo về NHNN và công bố tại Hội nghị quy mô hỗ trợ 405.000 tỉ đồng cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300.000 tỉ đồng cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh.
Mức giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu từ 0,5%- 2%/năm, mức lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới ngắn hạn từ 5%- 6,7%, trung dài hạn từ 5,5% – 8%/năm.
Là một trong những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề sau bão Yagi khi cơn bão càn quét qua Hải Phòng, ông Hoàng Xuân Hùng – chủ doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn và vận tải tại Đồ Sơn, TP Hải Phòng – đã được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay và giãn nợ.
Ông Hùng cho biết, sau bão, doanh nghiệp ông không còn bất cứ tài sản nào để thế chấp vay ngân hàng nên chỉ còn hy vọng vào việc “tự thân vận động” từ các cổ đông trong công ty. Tuy nhiên, may mắn ngân hàng nơi ông Hùng vay vốn đã hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, giãn nợ và hướng dẫn ông các phương hướng vay vốn mới nếu có nhu cầu.
“Trong lúc khó khăn, đây là sự động viên rất lớn từ phía ngân hàng đối với doanh nghiệp chúng tôi” – ông Hùng cho biết.