Dù đã có nhiều chính sách đúng đắn về phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên, người thu nhập thấp có thể vẫn cần thời gian để hiện thực hóa giấc mơ có nhà ở giá rẻ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.
Nghị định này được cho là đã “nới lỏng” nhiều quy định và điều kiện về nhà ở, thu nhập xét đối tượng mua nhà ở xã hội. Theo quy định, các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức thì phải đảm bảo điều kiện về thu nhập như sau:
Trường hợp người đứng đơn là người độc thân thì có thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng/tháng tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận. Thời gian xác định điều kiện về thu nhập trong 1 năm liền kề, tính từ thời điểm đối tượng quy định ở trên nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Trường hợp người đứng đơn đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận. Thời gian xác định điều kiện về thu nhập trong 1 năm liền kề, tính từ thời điểm đối tượng quy định trên nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Nghị định số 100/2024/NĐ-CP được cho là sẽ góp phần hiện thực hóa giấc mơ có nhà ở của nhiều người thu nhập thấp. Mặc dù như vậy, việc người thu nhập có tiếp cận được quỹ nhà ở xã hội được hay không lại là chuyện cần phải bàn. Trước hết, hiện nay ở các địa phương các dự án nhà ở xã hội triển khai và dự kiến đầu tư, thi công rất nhỏ giọt. Hầu hết ở thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh các dự án nhà ở xã hội chỉ trên đầu ngón tay. Tình trạng cung không đủ cầu diễn ra đã nhiều năm qua.
Chưa kể, khi có dự án nhà ở xã hội được triển khai thi công và bước vào giai đoạn xét duyệt hồ sơ thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội thì lại vướng không ít lùm xùm như: “Cò mồi” quảng cáo rao bán nhà ở xã hội trái phép, thổi giá căn hộ, hay chuyện người giàu đánh ô tô đi mua nhà ở xã hội… Và thực tế, nhà ở giá rẻ vẫn chỉ là giấc mơ xa vời đối với rất nhiều người thu nhập thấp.
Cũng có nhiều ý kiến của các chuyên gia bất động sản cho rằng, để người lao động được tiếp cận nhà ở xã hội thì giá bán phải giảm, ở mức phù hợp hơn nữa. Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng hỗ trợ đối với người có thu nhập cao hơn 15 triệu đồng/tháng. Đồng thời, chính quyền địa phương cần giám sát, thanh kiểm tra và xử lý thật nghiêm các chủ đầu tư, sàn môi giới quảng cáo, rao bán nhà ở xã hội trái quy định. Đặc biệt là khâu thẩm định, xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, để nhà ở giá rẻ đến đúng đối tượng là người thu nhập thấp.
Nói về vấn đề phát triển nhà ở xã hội, ông Đỗ Viết Chiến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích, hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở thu nhập thấp rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã quan tâm, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo như quy định trong luật. Nhà đầu tư được ưu đãi tiền thuê đất, sử dụng đất, giảm các loại thuế để có thể sớm thu hồi vốn và sinh lời khi tham gia xây dựng nhà ở xã hội…
“Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội thực hiện các dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận đất đai như công khai dự án, quy hoạch bố trí quỹ đất; nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng; thủ tục hành chính trong lựa chọn nhà đầu tư, đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán nhà…”, ông Chiến nhận định.
Theo ông Chiến, để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội thì trước hết các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển nhà ở xã hội trong đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Tiếp tục rà soát, bám sát thực tế để giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, cần sớm hình thành quỹ đầu tư nhà ở xã hội với mục tiêu cuối cùng là giải bài toán mất cân đối cung cầu để sớm bình ổn thị trường và tiếp tục phát triển loại hình nhà ở này. Ngoài ra, ông Chiến cũng cho rằng các địa phương cần điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó cụ thể về số lượng, chỉ tiêu nhà ở xã hội 2024-2025 và công khai danh mục dự án đầu tư nhà ở xã hội độc lập để nhà đầu tư đăng ký…
Có thể thấy, dù đã có rất nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn về phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên, quá trình đi vào triển khai thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc đang tạo rào cản khiến các doanh nghiệp chưa thể tạo ra “cơn sóng” thật sự về phân khúc nhà ở xã hội và người thu nhập thấp có thể sẽ phải thời gian để chờ đợi hiện thực hóa giấc mơ có nhà ở giá rẻ của mình.