Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2024 và ngân sách dự tính giảm thu hơn 38.900 tỉ đồng khi áp dụng chính sách này.
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm 2024.
Mức thuế này áp dụng cụ thể đối với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít, dầu hỏa 600 đồng/lít. Mức này tương đương 50% biểu khung thuế và đang áp dụng từ tháng 4-2022.
Giảm 50% thuế đến hết năm sau
Khi giảm thuế này, giá xăng, dầu tới tay người tiêu dùng sẽ hạ tương ứng 1.100 – 2.200 đồng/lít (đã gồm VAT), riêng dầu hỏa hạ 660 đồng/lít.
Từ ngày 1-1-2025, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần trong biểu khung thuế, tức 4.000 đồng/lít với xăng (trừ ethanol); nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít.
Đánh giá tác động của việc giảm thuế, Chính phủ cho biết ngân sách nhà nước ước giảm thu khoảng 38.924 tỉ đồng. Tính chung việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) nửa đầu năm 2024, ngân sách giảm thu hơn 42.450 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo Chính phủ, việc kéo dài giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm sau sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Mặt khác, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trường hợp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn tăng lên bằng mức trên của biểu khung thuế từ đầu năm 2024 sẽ làm CPI bình quân tăng thêm 0,36-0,54 điểm phần trăm. Ngược lại, nếu tiếp tục giảm thuế này hết năm sau sẽ tránh được biến động tăng giá bán lẻ xăng, dầu và không làm tăng CPI.
Việc giảm thuế này cũng giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi, nhất là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ giảm thuế với xăng, dầu như vận tải, dịch vụ khí đốt, đánh bắt thủy sản.
Trước đó, khi thẩm định đề xuất này, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo – phối hợp với Bộ Công Thương bổ sung đánh giá về cung cầu, giá xăng dầu trong nước và thế giới để đưa ra thời gian áp dụng phù hợp.
Song Bộ Tài chính cho hay giá xăng dầu thường biến động nhanh trong thời gian ngắn và giá trong nước phụ thuộc vào thế giới. Trong khi đó, giảm thuế bảo vệ môi trường là giải pháp tình thế, áp dụng trong bối cảnh giá xăng dầu biến động, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.
“Chính sách này chỉ áp dụng trong thời gian nhất định, nên đề xuất kéo dài giảm thuế này với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm sau là phù hợp”, Bộ Tài chính lập luận.
Doanh nghiệp ủng hộ giảm thuế
Bộ Tài chính khẳng định tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và trường hợp giá giảm, cơ quan này sẽ cùng các cơ quan đề xuất, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án áp thuế phù hợp.
Hiện nay, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được áp dụng từ ngày 1-4-2022. Hiện mức thuế này vẫn đang được giảm 50%, tương ứng 2.000 đồng/lít xăng (trừ ethanol) và 1.000 đồng/lít dầu diesel. Tuy nhiên, chính sách trên sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Góp ý về việc giảm thuế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ sự đồng tình với nội dung của dự thảo nghị quyết về việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong năm 2024 mà trước đó Bộ Tài chính đưa ra.
Theo cơ quan này, việc Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 là một giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.