Ngày 23/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được triển khai trên cơ sở bám sát, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khả năng đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân theo từng thời kỳ. Theo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước là trên 183.000 đến 236.000 MW, tăng thêm khoảng 27.000 đến 80.000 MW so với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt. Đáng chú ý, Đề án điều chỉnh nguồn điện hạt nhân đạt khoảng từ 6.000-6.400 MW, vận hành giai đoạn 2030-2035.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, quyết liệt triển khai các dự án theo Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Để phát triển các nguồn điện mới, Quảng Ninh đang đẩy nhanh việc triển khai các nội dung công việc liên quan để khởi công dự án Điện khí LNG trong năm 2025 này. Đồng chí đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hướng dẫn các địa phương, trong đó có Quảng Ninh trong việc triển khai các dự án phát triển điện trong ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của quốc gia nói chung và các địa phương nói riêng.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp tại hội nghị, nhanh chóng hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để báo cáo Chính phủ. Trong đó, lưu ý về sự phù hợp của nội dung đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII với những cam kết mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đáp ứng khả năng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân theo từng thời kỳ, với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tới năm 2030 lên đến “2 con số”.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Quy hoạch điều chỉnh phải đảm bảo tính khả thi của phương án đề xuất phát triển điện lực, các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, giải pháp về cơ chế chính sách và nguồn lực thực hiện.