Với tinh thần “gần dân, sát dân”, bảo vệ quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của người dân, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng trong tỉnh đã chú trọng công tác tiếp công dân, đối thoại với nhân dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC). Thông qua đối thoại, nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc trong nhân dân đã được giải quyết thấu tình, đạt lý, góp phần tạo niềm tin trong nhân dân, tạo động lực để mỗi địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 20/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, gắn với Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết KNTC; Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân…, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với sự quyết liệt, bài bản trong chỉ đạo, tổ chức triển khai. Người đứng đầu cấp ủy các cấp đã tăng cường trách nhiệm trong tiếp công dân, đối thoại, xử lý phản ánh kiến nghị của nhân dân. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trong công tác tiếp công dân, trực tiếp đối thoại với người dân đã tạo ra sức lan tỏa lớn, tăng cường và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị trong triển khai nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn.
Giai đoạn từ năm 2015-2022, người đứng đầu cấp ủy 3 cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 16.983 cuộc định kỳ tiếp 8.012 lượt công dân/5.732 vụ việc; tổ chức 106 cuộc đối thoại trực tiếp với dân, trong đó có 101 đoàn đông người; 97 cuộc đột xuất tiếp 242 công dân/104 vụ việc. Chủ tịch UBND tỉnh và cấp phó được ủy quyền, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đã thực hiện hơn 50.000 buổi tiếp công dân định kỳ. Riêng 9 tháng năm 2023, cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh đã tiếp 6.640 lượt công dân/3.881 vụ việc; trong đó có có 113 đoàn đông người/113 vụ việc công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh. Tổng số 8.546 đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh đã tiếp nhận, xử lý; qua phân loại có 527 vụ việc khiếu nại, 26 vụ việc tố cáo. Cơ quan có thẩm quyền các cấp đã giải quyết 346/527 vụ việc khiếu nại, 18/26 vụ việc tố cáo.
Tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, các cơ quan dân cử, UBND các cấp, các sở, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí truyền thông… để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc từ xa, từ sớm, từ cơ sở liên quan tới KNTC. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị 36-CT/TU, các văn bản của trung ương, của tỉnh đều đạt, nhất là việc người dân đồng thuận, ủng hộ các chủ trương phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, công tác GPMB thực hiện các dự án trọng điểm. Những kết quả trên được minh chứng rõ nét khi Quảng Ninh hội tụ sự hài lòng của cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp khi đạt được vị trí dẫn đầu cả nước về các chỉ số: PAPI, PAR Index, SIPAS và PCI.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự đột phá chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ninh thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế. Để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các dự án, đồng thời hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực làm phát sinh KNTC phức tạp, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành rà soát, thống kê các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của ngành mình để đánh giá, xem xét lại phù hợp với những quy định của pháp luật mới ban hành. Trên cơ sở đó phối hợp kiến nghị với tỉnh điều chỉnh lại các chính sách thuộc thẩm quyền liên quan đến an sinh xã hội, bồi thường GPMB, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cao nhất cho người dân và doanh nghiệp khi bị tác động bởi các dự án, nhất là các dự án phải sử dụng diện tích đất lớn.
Tỉnh yêu cầu các địa phương, đặc biệt là các địa phương đang có các dự án trọng điểm triển khai (Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn) chủ động tiếp công dân, tăng cường đối thoại với người dân và doanh nghiệp để tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn những thắc mắc, kiến nghị nhằm hạn chế việc phải cưỡng chế thu hồi đất, phát sinh thành khiếu nại, khiếu kiện đông người, vượt cấp; tập trung giải quyết theo thẩm quyền, vận dụng linh hoạt chính sách pháp luật, đảm bảo chất lượng việc giải quyết.
Cấp xã nơi có dự án phải tăng cường và tập trung nhân lực để xác minh, xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của cá nhân, tổ chức, đảm bảo công tâm, khách quan, chính sách và kịp thời; thường xuyên cập nhật biến động đất đai để đảm bảo không phát sinh các hành vi về trục lợi dự án; huy động các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn phối hợp với chính quyền tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án…
Tỉnh tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm công dân. Đồng thời tuyên truyền chống các biểu hiện dân túy, mị dân, dân chủ hình thức; gắn trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tiếp công dân, đối thoại với nhân dân; kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân, các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người vượt cấp, kéo dài, không để hình thành điểm nóng về an ninh, trật tự xã hội.
Với việc tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, sâu sát, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh với các tệ nạn quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, Quảng Ninh đã góp phần củng cố, tăng cường, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ. Qua điều tra xã hội học cho thấy “chỉ số niềm tin” tăng từ 73% năm 2016 lên 93,45% năm 2022.