Ngày 20/9/2024, UBND tỉnh ban hành văn bản số 2748/UBND-KTTC về việc khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3.
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là siêu bão với cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn; thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì cường độ bão dài đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều người dân, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, đặc biệt đối với tỉnh Quảng Ninh là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão và hoàn lưu sau bão. Theo thống kê sơ bộ tính đến ngày 16/9/2024 thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh rất lớn.
Đối với tín dụng chính sách, theo rà soát đánh giá sơ bộ của các địa phương đến nay có khoảng 12.700 khách hàng đang vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) bị thiệt hại với tổng dư nợ 741 tỷ đồng, để kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn tại NHCSXH bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão sớm khắc phục hậu quả do thiên tai, nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, theo đề nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tại Văn bản số 664/NHCS-KHTD ngày 17/9/2024, Chủ tịch UBND giao Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Ninh: Thực hiện cho vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn số 4710/NHCS-TDNN ngày 24/11/2016 của Tổng Giám đốc NHCSXH đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương); chưa thực hiện thu lãi tiền vay đối với khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3 và mưa lũ sau bão đến ngày 31/12/2024 theo Công văn số 5724/NHCS-KTTC ngày 12/09/2024 của Tổng Giám đốc NHCSXH về việc hỗ trợ khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và mưu lũ sau bão.
Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương, tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác rà soát, lập danh sách khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan xác định mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn tại NHCSXH để trình cấp thẩm quyền xem xét xử lý nợ bị rủi ro thiệt hại do nguyên nhân khách quan theo các biện pháp xử lý: Thực hiện gia hạn nợ (kéo dài thời hạn trả nợ đã cam kết trong hợp đồng tín dụng) theo quy định tại mục 1 Điều 6 Quyết định 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội; Thực hiện khoanh nợ (chưa thu nợ của khách hàng và không tính lãi tiền vay phát sinh trong thời gian được khoanh nợ) khi có quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định tại mục 2 Điều 6 Quyết định 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội; Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định trước ngày 15/10/2024; Báo cáo NHCSXH Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh bố trí kinh phí, đảm bảo đủ nguồn vốn để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó ưu tiên vốn cho những người dân bị ảnh hưởng thiệt hại của bão số 3 và mưa lũ sau bão khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định sinh kế.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Chi nhánh NHCSXH và UBND các địa phương rà soát nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh của hộ gia đình và người lao động, hoàn thành trước ngày 05/10/2024. Đồng thời, phối hợp Sở Tài chính và NHCSXH tỉnh đề xuất, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn hỗ trợ cho vay.
Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực chủ động phối với các cơ quan liên quan rà soát, nắm bắt tình hình thiệt hại về vốn, tài sản của người dân, tổng hợp báo cáo, phối hợp tham mưu các phương án, giải pháp cấp bách đề xuất cho UBND tỉnh hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, bố trí kinh phí ngân sách kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng chính sách vay vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn: Phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc rà soát, lập danh sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn tại NHCSXH bị thiệt hại, xác định mức độ thiệt hại sau bão, mưa lũ để áp dụng các biện pháp xử lý nợ bị rủi ro theo quy định. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định trước ngày 15/10/2024; rà soát nhu cầu vốn cho vay phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân bao gồm những khách hàng đã vay vốn bị thiệt hại và hộ gia đình, người lao động có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.
UBND tỉnh cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các Tổ chức chính – trị xã hội các cấp tăng cường công tác tuyên truyền để Nhân dân biết về các chính sách hiện hành đang thực hiện hỗ trợ các khách hàng vay vốn bị thiệt hại; phối hợp rà soát, xác định mức độ thiệt hại các hộ gia đình, người lao động vay vốn tại NHCSXH bị thiệt hại do bão, mưa lũ; giúp đỡ hội viên và nhân dân khắc phục sau bão, phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác giám sát hội viên sử dụng vốn đảm bảo đúng mục đích và hiệu quả.