Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường đôn đốc thu ngân sách các khoản liên quan đến đất đai trong tháng cuối năm 2024… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 30/11 – 6/12/2024.
Tăng cường đôn đốc thu ngân sách các khoản liên quan đến đất đai trong tháng cuối năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 124/CĐ-TTg ngày 30/11/2024 về việc tăng cường đôn đốc thu ngân sách nhà nước đối với các khoản thu liên quan đến đất đai trong tháng cuối năm 2024.
Công điện yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo Cơ quan thu tăng cường các giải pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế, thực hiện thu đúng, đủ các khoản thu phát sinh theo quy định của pháp luật thuế, chống thất thu cho ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo về tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính trong quản lý NSNN, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, thu hồi nợ thuế quyết liệt…
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 1/12/2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”; phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm; tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực…
Chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 127/CĐ-TTg chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, giấy chứng nhận thủy sản khai thác tại địa phương.
Công điện yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tăng cường hướng dẫn, đào tạo, tập huấn để các địa phương triển khai thực hiện đúng các quy định pháp luật trong công tác cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy SC), giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy CC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác.
Kịp thời chấn chỉnh các hiện tượng cấp giấy SC, giấy CC đối với sản phẩm thủy sản khai thác chưa đúng với quy định pháp luật hiện hành hoặc cố tình hiểu sai, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hồ sơ, tài liệu không được quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gây khó khăn trong việc cấp giấy SC, giấy CC phục vụ xuất khẩu thủy sản…
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 4/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp.
Tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi chuyên gia, giảng viên chuyên môn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghệ số cốt lõi ở các cơ sở giáo dục đại học…
Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 6/12/2024 kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Theo Kế hoạch, thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ và tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị), không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án hợp nhất các Bộ) trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, bảo đảm bám sát yêu cầu định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Trung ương; đồng thời, rà soát lại tất cả các hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy của Chính phủ để có giải pháp đề xuất xử lý trong quá trình sắp xếp; xây dựng dự thảo quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, trên cơ sở thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn như sau:
Có 13 Bộ, 04 cơ quan ngang Bộ (giảm 05 Bộ);
Có 04 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 04 cơ quan thuộc Chính phủ).
Tổ chức bên trong: Tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối, giảm mạnh các tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục.
Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ thì về cơ bản khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay.
Thêm 3 công trình thủy lợi vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia
Ngày 02/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1502/QĐ-TTg về việc đưa 03 công trình thủy lợi vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo đó, 03 công trình thủy lợi: Hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa; hồ chứa nước Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế; hồ chứa nước Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước được đưa vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Hỗ trợ giống cây trồng cho tỉnh Ninh Thuận
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền 271,2 tấn hạt giống lúa và 57,7 tấn hạt giống ngô từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận khắc phục hậu quả thiên tai năm 2024.
Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng.
Theo Quyết định, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng là khu kinh tế ven biển có quy mô diện tích 20.000 ha (trong đó khoảng 2.909 ha là đất lấn biển), nằm ở khu vực phía Đông Nam của thành phố Hải Phòng; có toạ độ địa lý từ 20°35″50″ đến 20°45’35” vĩ độ Bắc và từ 106°32’8″ đến 106°49’15” độ kinh Đông.
Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng là khai thác tối đa lợi thế về vị trí cửa ngõ quốc tế, nền tảng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận và quốc tế…
Thành phố Hà Tĩnh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 5/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hà Tĩnh mở rộng, tỉnh Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II.
Cụ thể, công nhận thành phố Hà Tĩnh mở rộng, tỉnh Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II. Phạm vi thành phố Hà Tĩnh mở rộng gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Hà Tĩnh và một phần các huyện Thạch Hà (gồm các xã: Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thạch Trị, Thạch Văn, Tượng Sơn, Tân Lâm Hương và Thạch Đài), huyện Lộc Hà (xã Hộ Độ), huyện Cẩm Xuyên (gồm các xã: Cẩm Vịnh và Cẩm Bình), có tổng diện tích tự nhiên là 220 km2.
Công nhận khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư đạt tiêu chí đô thị loại I
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 5/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ công nhận khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư, trực thuộc tỉnh Ninh Bình đạt tiêu chí đô thị loại I.
Cụ thể, công nhận khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư, trực thuộc tỉnh Ninh Bình đạt tiêu chí đô thị loại I (tổng diện tích 150,24 km2) gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Ninh Bình hiện hữu (diện tích 46,75 km2) và huyện Hoa Lư hiện hữu (diện tích 103,49 km2).