46 bản sao của trống đồng Quảng Chính vừa được thực hiện chế tác thành công để phục vụ công tác quảng bá giá trị Bảo vật quốc gia.
Trước đó, Sở Văn hoá – Thể thao đã có quyết định cho phép UBND huyện Hải Hà làm 46 phiên bản thu nhỏ này bao gồm 3 chiếc có tỷ lệ 1/1,3 (đường kính mặt 30cm); 3 chiếc tỷ lệ 1/2 (đường kính mặt 20cm) và 40 chiếc có tỷ lệ 1/4 (đường kính mặt 10cm). Chất liệu, kích thước và hoa văn phiên bản phải đúng với nguyên mẫu của hiện vật gốc đang được lưu trữ tại Bảo tàng Quảng Ninh. Dấu hiệu phân biệt với nguyên mẫu là logo của Bảo tàng Quảng Ninh và dòng ký hiệu BVQG.TĐQC/2023 cùng với số thứ tự của bản sao.
UBND huyện Hải Hà và Bảo tàng Quảng Ninh đã thống nhất các nội dung làm bản sao hiện vật, tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn cho hiện vật gốc, sử dụng bản sao đúng mục đích quảng bá và phát huy giá trị di sản bảo vật quốc gia, bảo quản bản sao chặt chẽ, đúng quy định.
Trống đồng Quảng Chính được gia đình ông Đinh Khắc Lân, xã viên HTX Quảng Lễ, xã Quảng Chính, huyện Quảng Hà (nay là Hải Hà) tìm thấy năm 1981 trong khi đào đất ở mỏm đồi sau nhà. Năm 1983, gia đình ông Lân giao trống đồng cho chính quyền trước khi chuyển về Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh trưng bày. Trống đồng Quảng Chính (được đặt tên địa danh đã phát hiện ra trống) được Viện Khảo cổ học Việt Nam xếp thuộc trống Heger I – hay còn gọi trống đồng Đông Sơn, có niên đại 2500 – 2000 năm cách ngày nay – là loại trống đẹp nhất trong 4 loại trống đồng.
Trống đồng Quảng Chính có hình dáng cân đối, thân trống chia ba phần rõ rệt: Tang phình, lưng thon, chân cao hơi loe. Chiều cao của trống từ chân lên tới mặt là 30,5cm, đường kính mặt 40cm, đường kính chân đế 47cm. Giống như các trống đồng đã phát hiện ở Việt Nam, trống đồng Quảng Chính chỉ có một mặt. Mặt trống khá dày (33mm). Giữa mặt trống có hoa văn là một ngôi sao nổi 16 cánh. Kế tiếp ngôi sao – tính từ trong ra là một vành hoa văn có hình 4 con chim Lạc đang sải cánh bay vòng quanh ngôi sao. Vành thứ ba là các băng hoa văn “chấm dải”, “răng cưa” xen kẽ nhau. Vành thứ tư không có hoa văn, đã bị vỡ một mảnh nhỏ. Trống đồng Quảng Chính được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2020.
Phạm Học