Sang Nhật làm việc được 8 năm, Văn Hoài đam mê leo núi và đã chinh phục được hàng chục ngọn núi tuyết tuyệt đẹp ở Nhật Bản.
Nguyễn Văn Hoài, 28 tuổi, hiện là kiểm tra viên chất lượng đầu vào của một hãng xe ô tô ở Nhật. Anh đã có 8 năm làm việc ở đất nước Mặt trời mọc.
Chưa từng có cơ hội leo núi ở Việt Nam, mãi đến năm 2021, Hoài mới làm quen với bộ môn này ở Nhật. Trước đó, Hoài đam mê nhiếp ảnh. Khi nhìn thấy những bức ảnh chụp trên núi Karasawa và Tateyama quá tuyệt vời, anh đã quyết định leo 2 ngọn núi này để chụp ảnh.
Sau 2 chuyến đi “đầu đời” đáng nhớ, Hoài bắt đầu cảm thấy say mê với cảnh sắc thiên nhiên, núi rừng Nhật Bản. Từ đó, anh leo núi thường xuyên và đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ.
Đến giờ, khi hỏi anh đã leo bao nhiêu ngọn núi, anh nói “không thể nhớ hết”. Riêng núi tuyết Hoài đã chinh phục được hơn 10 ngọn, bao gồm: Karamatsu, Phú Sĩ, Yarigatake, Kitadake, Norikura, Tateyama, Kiso, Karasawa, Ibuki, Daisen, Arashima. Có nhiều ngọn núi anh đã leo tới 3-4 lần vì vào mỗi mùa, nó lại có một vẻ đẹp riêng.
Mới đây, bộ ảnh leo núi Karamatsu cùng các bạn hồi cuối tháng 12 được Hoài chia sẻ trên trang cá nhân đã nhận được rất nhiều chia sẻ và yêu thích của cộng đồng leo núi Việt Nam.
Karamatsu là ngọn núi thuộc dãy Bắc Alps với địa hình khá thoải. Từ chân núi, khách có thể di chuyển bằng cáp treo tới điểm xuất phát. Sau hơn 2 tiếng leo, cả nhóm tới được hồ Happo – nơi có thể nhìn qua đỉnh Goryu với những sườn núi dốc, dài phủ trắng bởi tuyết – khung cảnh không khác gì những ngọn núi cao hơn 5.000m ở Nepal hay Ấn Độ.
Một người đã leo núi khá nhiều như Hoài cũng bị ấn tượng bởi cảnh tượng này cả về thị giác lẫn cảm xúc.
Khoảnh khắc nguy hiểm nhất mà cả nhóm đã vượt qua là khi lên tới độ cao khoảng 2.400m, nhóm gặp phải sườn núi đón gió. Gió lúc này thổi rất mạnh, tới hơn 20 m/s. Gió thổi hất ngang, sườn núi hẹp, hai bên là thung lũng, địa hình sụt lún khiến nguy cơ ngã xuống vực là khá cao. Cộng với cái lạnh sâu hơn dự tính, nhóm mất tới hơn 1 tiếng rưỡi để vượt qua sườn núi này.
“Dự báo thời tiết hôm đó có gió nhẹ và nhiệt độ thấp nhất chỉ khoảng -7 độ C, nhưng thực tế nhiệt độ đã giảm sâu tới -20 độ C. Cái lạnh thấu xương vào buổi tối có thể khiến mọi người mất ngủ nếu không mang đủ đồ giữ ấm cho cơ thể. Đồng thời, nước uống đem theo cũng dễ bị đông đá nên nhóm phải thường xuyên nấu nước để bổ sung cũng như làm ấm cơ thể”.
Đã dạn dày kinh nghiệm leo núi dưới thời tiết khắc nghiệt nên Hoài không lo cho mình, nhưng anh khá lo cho các bạn khi đi qua sườn núi đón gió này. Đã có khoảnh khắc một vài bạn đuối sức trước những cơn gió mạnh, giảm thân nhiệt và có ý định quay xuống. Nhưng với sự đồng hành của cả nhóm, các thành viên đều vượt qua thử thách này thành công. Khi bãi cắm trại hiện ra ngay trước mắt, ai cũng hét lên vì sung sướng.
Vì gặp đoạn sườn núi đón gió nên tốc độ của nhóm bị chậm hơn dự kiến. Cả nhóm tranh thủ dựng lều rồi nhanh chóng leo lên đỉnh cách đó 30 phút, vừa kịp đón hoàng hôn.
“Cảm xúc thật tuyệt vời, khó diễn tả khi đứng trên đỉnh núi Karamatsu ngắm Mặt trời lặn chính giữa đỉnh Tsurugi nổi tiếng, khiến tất cả quên đi cái đói và mệt sau một hành trình dài. Bầu trời vàng rực với những vệt nắng cuối ngày nhuộm màu tất cả dãy núi xung quanh phủ đầy tuyết trắng. Cả nhóm đã đập tay nhau chúc mừng khi lên đỉnh thành công và tranh thủ từng giây phút lúc hoàng hôn đẹp nhất để lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời”.
Sang ngày hôm sau, cả nhóm dậy từ lúc 4 rưỡi sáng nấu ăn, dọn dẹp lều để kịp leo lên điểm đón bình minh lúc 6h sáng cách bãi lều 20 phút leo. 7h, nhóm bắt đầu xuống núi.
Điều đặc biệt trong hành trình này là khi cả nhóm từ trên đỉnh xuống bãi cắm trại thì gặp một người đàn ông cũng đang đi tìm nơi dựng trại.
“Ban đầu, nhóm tôi tưởng anh là người Nhật nên đã chào hỏi bằng tiếng Nhật. Nhưng thật bất ngờ, anh ấy là người Việt Nam. Không ai có thể tưởng tượng được rằng có thể gặp đồng hương tại nơi này. Nhóm nhanh chóng giúp anh dựng lều vì trời đã khá tối và lạnh. Sau đó nhóm mời anh cùng ăn bữa tối với 2 nồi lẩu chua cay và chai rượu Whisky”.
Đó cũng là một trong những “cái được” mà Hoài cho rằng bộ môn leo núi đã mang lại cho mình.
“Leo núi mang lại cho tôi những trải nghiệm hoàn toàn mới – được thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên để tạm quên đi những bộn bề trong cuộc sống, được ngắm nhìn những cảnh đẹp mê người mà không phải ai cũng có cơ hội chiêm ngưỡng.
Leo núi cũng mang lại cho tôi những mối quan hệ mới, những người bạn mới cùng đam mê trên khắp Nhật Bản và cả Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là bộ môn rèn luyện cho tôi sự kiên trì, ý chí quyết tâm trước khó khăn và thử thách” – Hoài nói.
Chàng trai 28 tuổi chia sẻ, sắp tới, anh dự định leo lại núi Phú Sĩ mặc dù đã leo tới 2 lần. Những lần trước anh cảm thấy chưa “thoả mãn” vì thời tiết không lý tưởng. Trong tương lai xa hơn, anh ấp ủ leo vài nơi nổi tiếng ở Nepal như Everest Base Camp, Annapurna Base Camp.