Kết thúc quý III, kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối năm 2024 và năm 2025.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III và 9 tháng ước đạt 7,4% và 6,82% là mức cao hơn kỳ vọng trong bối cảnh một số địa phương của các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cơn bão Yagi (bão số 3).
Cơ hội và thách thức đan xen
Trong Báo cáo kinh tế quý III-Triển vọng và thách thức công bố mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so mức 4,4% của cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tích cực là động lực tăng trưởng chính. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn dự kiến, xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD là mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020-2024.
Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch trong khi chi tiêu công giảm so cùng kỳ, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, tạo dư địa cho các chính sách tài khóa tiếp tục trong năm 2024 như các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, nhất là trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại của cơn bão Yagi (bão số 3).
Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình trước đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, VEPR cũng chỉ ra những rủi ro và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR, những rủi ro, thách thức gồm chỉ số quản trị mua hàng PMI suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9.
Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao. Tiêu dùng trong nước và giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng.
Nhìn xa hơn, xu thế phân mảnh kinh tế, chính trị toàn cầu; hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu khiến cầu bên ngoài có thể suy giảm. Chi phí đẩy khiến năng lực cạnh tranh xuất khẩu và khả năng tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu gặp nhiều thách thức…
Tại Báo cáo về kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2024, dự báo cả năm 2024-2025, Tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra 7 điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng.
Đó là, Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn của nền kinh tế; khẩn trương khắc phục hậu quả của bão Yagi, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.
Kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, tỷ giá hạ nhiệt, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; tín dụng đang dần phục hồi, nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát.
Thu ngân sách nhà nước tăng khá cùng với đà phục hồi của sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu; tình hình doanh nghiệp có nhiều cải thiện, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam, tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, phát triển các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, khoa học-công nghệ, công nghiệp bán dẫn…
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra 6 rủi ro, thách thức chính trong quý IV/2024 và năm 2025. Đó là rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu; các động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch và chưa bền vững.
Thể chế cho các động lực tăng trưởng mới còn chậm ban hành so với yêu cầu phát triển; hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn dù đã dịu bớt; nợ xấu tăng và còn vướng mắc khi xử lý; cơ cấu lại nền kinh tế, gồm cả các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu.
Các kịch bản dự báo tăng trưởng
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 và năm 2025, Tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu nhận định với kịch bản cơ sở, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,8-7% năm 2024, tăng 0,3 điểm % so dự báo tháng 6/2024 hoặc có thể khả quan hơn.
Dự báo này đưa ra trên cơ sở đà phục hồi kinh tế thế giới cùng với kết quả phát triển kinh tế-xã hội khả quan 9 tháng của Việt Nam và nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ; niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố, các hoạt động sản xuất kinh doanh sớm được phục hồi sau bão Yagi.
Nhóm Nghiên cứu cũng đưa ra kịch bản tích cực với mức tăng trưởng GDP có thể đạt mức hơn 7% và kịch bản tiêu cực với mức tăng trưởng GDP đạt thấp hơn, ở mức 6,6-6,8%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%, quý IV cần tăng trưởng 5,7%; mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,8%, quý IV cần tăng trưởng 6,76%; mục tiêu tăng trưởng cả năm 7%, quý IV cần tăng trưởng 7,5%.
Với kết quả tăng trưởng tích cực của quý III và nhận định về xu hướng tăng trưởng những tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 có khả năng cao đạt được mục tiêu của kịch bản tăng trưởng.
Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương
|
Theo tính toán của Nhóm nghiên cứu, để đạt được mức tăng trưởng 6,8-7% năm 2024, GDP quý 4 cần tăng 6,8-7,8%. Đến năm 2025, tiếp đà tăng trưởng cao của năm 2024, các động lực tiếp tục được thúc đẩy, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,7-7%, tương đương năm 2024.
Trong khi đó, tại Báo cáo của VEPR, nhóm tác giả cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh diễn biến tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục có những thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen.
Cụ thể, tại kịch bản cao, tăng trưởng quý IV sẽ đi ngang, đạt mức 7,4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu Chính phủ đề ra là 7%;
Với kịch bản thấp, tăng trưởng Quý IV đạt dưới 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6,84%.
Trong kịch bản điều hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ phấn đấu tăng trưởng quý IV khoảng 7,5%-8% để tăng trưởng cả năm có thể đạt và vượt mức 7%.