Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh đang trở nên cấp thiết sau khi bão số 3 để lại hậu quả nặng nề cho các địa phương.
Doanh nghiệp cần trợ lực
Bộ Kế hoạch và đầu tư thống kê, bão số 3, mưa lũ và sạt lở tại các địa phương gây thiệt hại ước tính đến nay lên tới hơn 60.000 tỷ đồng và GDP năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng từ 6,8 – 7% đặt ra cả năm.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết: Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đã bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3, nhất là ở Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhiều hàng hóa hư hại, nhà xưởng, kho… sập đổ, máy móc ngập nước không thể hoạt động. Đơn cử, nhà máy ở Hải Phòng gần biển, cả tầng hầm lẫn tầng 1 đều ngập nước, doanh nghiệp dự kiến phải mất vài tháng để khắc phục, đặt hàng và nhập lại máy móc để vận hành. Để giúp doanh nghiệp hồi phục sau bão, các cơ quan Nhà nước và Chính phủ cần tích cực hỗ trợ các khoản vay khẩn cấp với người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại, để quá trình tái thiết nhanh hơn.
Còn theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, đến nay, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế tại địa phương đã sản xuất trở lại, nhưng phải cần ít nhất 3 tháng để phục hồi. Đối với doanh nghiệp thuộc ngành logistics, theo khảo sát của Công ty Tư vấn Quản lý chuỗi cung ứng (CEL), nhờ vào việc huy động nguồn lực nhanh chóng, gần 45% doanh nghiệp được khảo sát cho biết kỳ vọng sẽ phục hồi trong khoảng 1 tháng…
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, hàng loạt doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa, ngừng hoặc giảm sản xuất vì các trang thiết bị, nhà xưởng… phục vụ sản xuất đều bị hư hại. Việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang trong tình cảnh gắng gượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế, sinh kế của người dân, người lao động.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam nhận định, doanh nghiệp cần khoảng từ 3 – 6 tháng để phục hồi hoàn toàn trong. Vấn đề cần quan tâm là chính sách hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương như thế nào và ưu tiên hỗ trợ các thành phần kinh tế cùng lúc bị tác động ra sao?… Thậm chí, ngoài việc giãn, hoãn, miễn nợ, hạ lãi suất vốn vay ngân hàng… giá điện, nước, y tế, giáo dục… cũng cần điều chỉnh giảm tối đa chi phí.
Mặt khác, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão lũ đến nay gây ngập úng khoảng 190.358 ha lúa và 48.720 ha hoa màu; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hỏng, cuốn trôi… thực tế này khiến hàng nghìn nông hộ kiệt quệ. Đây là khu vực quan trọng tạo ra sinh kế bền vững, thu hút lượng lao động, nhiều hộ nghèo tham gia. Do đó, Chính phủ cần phải dành nguồn lực ngân sách lớn để cứu trợ, sau đó là phục hồi sinh kế.
Do vậy, VINASME mong muốn Nhà nước trợ lực tiền thuê đất từ 3-5 năm cho doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản bị ảnh hưởng; khuyến khích doanh nghiệp FDI mua nguyên liệu từ vùng bị thiệt hại. Trong khi đó, VCCI đề xuất tăng tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp nuôi trồng thủy hải sản, miễn tiền thuê mặt nước, phí ra vào cảng biển, sử dụng vị trí neo đậu… đến một năm, hoặc Nhà nước hỗ trợ 50-70% phí mua bảo hiểm cho các tàu cá, du lịch đến hết năm 2025.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính sớm có các gói cho vay lãi suất thấp hoặc 0% cho doanh nghiệp và người dân trên cơ sở từng đối tượng cụ thể để khoanh nợ. Hàng loạt chính sách khác về thị trường, lao động… cũng được cộng đồng doanh nghiệp mong được sớm hỗ trợ như: Chính phủ giảm thuế GTGT với xăng dầu từ 10% xuống 8% trong 3 tháng cuối năm 2024 cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở địa phương chịu thiệt hại, hoặc Chính phủ có thể tính tới các gói hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân, doanh nghiệp, thay vì chỉ miễn, giảm thuế…
Hiến kế hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Jung Hyeok, Tổng Giám đốc Công ty LS Metal Vina, đại diện nhóm doanh nghiệp sản xuất trong Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) hiến kế: Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả một phần tiền lương của người lao động do doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, nhằm giữ chân công nhân. Cơ quan hải quan, thuế, phòng cháy chữa cháy… cũng cần hoãn các cuộc thanh tra để các doanh nghiệp tập trung phục hồi.
Tương tự, theo ông Vũ Huy Khuê, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hải Phòng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ cần được gia hạn nộp thuế, gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, miễn tiền chậm nộp, miễn phạt vi phạm hành chính… Các thủ tục, hồ sơ triển khai cần được công khai trên các trang thông tin và hướng dẫn trực tiếp cho người nộp thuế…
Về phía ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đã có 32/40 ngân hàng thương mại đăng ký và triển khai gói tín dụng mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 -2% để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi bão lũ. Đơn cử, BIDV triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão số 3, với tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỷ đồng có mức giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của khách hàng. Thời gian hỗ trợ giảm lãi suất từ ngày 20/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Hay Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 – 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả từ nay tới đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024.
ABBank áp dụng giảm lãi suất cho vay lên tới 1,5%/năm cho khách hàng cá nhân có khoản vay sản xuất kinh doanh, giảm đến 1,5% lãi suất trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm áp dụng đối với khách hàng vay sản xuất kinh doanh trung/dài hạn; khách hàng vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn, tùy theo mức độ bị thiệt hại sẽ áp dụng mức giảm đến 0,7%/năm lãi suất trong thời gian còn lại của khoản vay hiện hữu cho đến ngày đáo hạn…
Tại cuộc họp Chính phủ mới đây với 12 tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, với tổng tài sản ước tính trên 70 tỷ USD, đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội… nhưng đang gặp nhiều khó khăn hồi phục sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành, nếu được phản ánh về khó khăn của doanh nghiệp, phải trực tiếp lắng nghe và giải quyết dứt điểm theo chức năng, thẩm quyền; sớm nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, rào cản, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất kinh doanh, đóng góp vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp lớn phát huy 6 tiên phong: Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và quốc gia; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; phát triển hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh; đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản trị thông minh; liên kết hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước.