Hết 10 tháng năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của Quảng Ninh tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, điều này minh chứng cho sự phát triển kinh tế ổn định của tỉnh. Trong những tháng cuối năm, khi nhu cầu tích lũy hàng hóa và xuất khẩu tăng cao, hoạt động cảng biển hứa hẹn có sự tăng trưởng mới.
Kết thúc 10 tháng năm 2024, hoạt động cảng biển và logistics tại Quảng Ninh đều tăng. Các cảng trên địa bàn tỉnh đón hơn 120.000 lượt phương tiện tàu biển các loại, tăng 7% so cùng kỳ năm 2023; sản lượng hàng hóa đạt gần 125 triệu tấn, tăng 10% so cùng kỳ. Đặc biệt, lượng hành khách đến tỉnh thông qua các cảng biển đạt hơn 90.000 người, tăng trên 400% so cùng kỳ năm 2023.
Ngay từ đầu năm, các cơ quan, đơn vị phụ trách công tác quản lý nhà nước về hàng hải, cảng biển của Quảng Ninh đã không ngừng vận động, phối hợp chặt chẽ với các chủ cảng triển khai hiệu quả công tác thu hút nguồn hàng về tỉnh; tăng cường các hoạt động quảng bá thương hiệu, tối ưu hóa hoạt động khai thác cảng, tối ưu hóa cầu bến, hỗ trợ cho các hoạt động cảng từ vùng neo; chuẩn hóa, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, phần mềm, nhằm tăng năng suất khai thác và chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực bốc dỡ hàng hóa. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các KCN, KKT với hệ thống hạ tầng cảng biển, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đồng hành cùng các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để sớm đưa vào vận hành các nhà máy, công xưởng nhằm tạo ra nguồn hàng định kỳ, ổn định, bền vững…
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính, đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng đơn giản hóa, cơ quan Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành và thực thi nghiệp vụ; triển khai thực hiện hiệu quả các phần mềm, như: Thủ tục tàu biển, biên lai điện tử, theo dõi tàu, bố trí vị trí neo đậu, giám sát hoạt động của hoa tiêu, tàu lai; minh bạch hoá công tác TTHC thông qua việc niêm yết công khai, rõ ràng, đầy đủ, chính xác các thủ tục và hướng dẫn giải quyết thủ tục.
Để nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng của các đại lý, đơn vị vận tải, chủ tàu… định kỳ 6 tháng, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh tổ chức các hội nghị trao đổi, phân tích, đánh giá về công tác giải quyết TTHC. Từ đó, sớm phát hiện những bất cập, tồn tại để điều chỉnh, báo cáo với Cục Hàng hải Việt Nam điều chỉnh; góp phần xóa bỏ TTHC không cần thiết, xây dựng hệ thống TTHC trong lĩnh vực hàng hải hiệu quả, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp. Điều này, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo sự hài lòng cho mỗi chủ hàng, hãng tàu để lựa chọn Quảng Ninh là điểm đến.
Dịp cuối năm, số nhà máy mới được đưa vào vận hành, hoạt động sản xuất tại các KCN tăng mạnh, nhu cầu nhập và xuất khẩu hàng hóa tăng cao… Đặc biệt, một số mặt hàng chiến lược như than, xăng dầu, thiết bị máy móc và nông sản phục vụ nhu cầu thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng được đẩy mạnh giao dịch vận tải để chuẩn bị cho dịp tết và giai đoạn đầu năm tới. Đây là giai đoạn hoạt động cảng biển sôi động nhất trong năm, là cơ hội để hoạt động cảng biển tại Quảng Ninh tạo ra những đột phá mới.
Đón đầu cho giai đoạn “nước rút” hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng cảng biển trong năm, hiện các cơ quan, đơn vị liên quan đang khẩn trương chuẩn bị tốt nhất về hạ tầng logistics; tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu lợi thế nhằm tạo tính cạnh tranh cao bằng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể đang có. Cùng với đó là các chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động hàng hải, hoạt động thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải, xây dựng các công trình hàng hải…
Với vai trò đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, hệ thống hạ tầng cảng biển của Quảng Ninh đang từng bước được quan tâm, ưu tiên đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển giao thông biển quốc tế, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Điều này, giúp các chủ hàng, doanh nghiệp logistics vững tin, yên tâm và đưa hàng đến với các cảng của Quảng Ninh. Từ đó, không chỉ góp phần quan trọng đưa cảng biển trở thành nền kinh tế mũi nhọn, mà còn đóng góp đáng kể đối với sự tăng trưởng của tỉnh trong năm 2024.