Đầu năm nay, Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch phát triển 62 sản phẩm du lịch mới của tỉnh năm 2024. Để hiện thực hoá những sản phẩm này cần sự vào cuộc tích cực của nhiều địa phương, sở, ngành, đơn vị, trong đó có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp. Dưới góc độ này, vừa qua phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Đoàn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Du lịch Sen Á Đông, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh.
– Đối với các doanh nghiệp thì việc phát triển các sản phẩm du lịch mới có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
+ Đối với một trung tâm du lịch như Quảng Ninh thì việc phát triển các sản phẩm du lịch mới hàng năm là rất quan trọng, nó cũng gắn liền với sự phát triển của điểm đến. Đây là năm thứ 2, Quảng Ninh triển khai việc công bố để phát triển các sản phẩm du lịch mới. Đứng ở góc độ các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy việc này hết sức có ý nghĩa. Doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để có thể triển khai, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm của các đơn vị, địa phương tham gia vào phát triển các sản phẩm tích cực hơn.
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, để các bên tham gia tích cực hơn, có vai trò, trách nhiệm hơn, việc xây dựng các sản phẩm hàng năm hiệu lực, hiệu quả thì chúng ta cần thống nhất một quy trình tạo ra sản phẩm mới hằng năm. Theo đó, các bên đều được tham gia, tiếp cận các tài nguyên du lịch của tỉnh, có ý tưởng sáng tạo ra sản phẩm mới và được các bên liên quan xem xét, đánh giá về tính khả thi của các sản phẩm và phân nhóm đối tượng để các bên liên quan hỗ trợ làm đầu mối giải quyết các thủ tục pháp lý để hoàn thiện sản phẩm, đưa vào khai thác.
– Việc đưa ra danh mục sản phẩm mới này hình như xuất phát từ chính cơ sở đưa lên, trong đó có ý kiến của các doanh nghiệp?
+ Đúng vậy, trong chủ trương của tỉnh, để điều chỉnh cho hợp lý hơn thì xuất phát vẫn là từ các địa phương, gắn với các tài nguyên, cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp cụ thể đề xuất, điều ấy tôi cho là rất đúng. Nhưng cái để giải quyết các thủ tục nhằm hoàn thiện sản phẩm đó thì chưa. Đơn cử như bên du thuyền Đông Dương chúng tôi có đề xuất một sản phẩm trong danh mục là tour cho dịch vụ xuồng cao tốc chở khách tham quan tuyến 4 trên Vịnh Hạ Long, tuy nhiên hiện chúng tôi vẫn chưa biết làm việc với bên nào để hoàn thiện các thủ tục, đảm bảo lộ trình đến tháng 5 có thể đưa vào hoạt động. Chúng tôi rất cần có sự hướng dẫn.
– Có lẽ cũng từ cách làm đó nên danh sách lần này có khá nhiều các sản phẩm du lịch biển được du khách, doanh nghiệp mong chờ, đề xuất lâu nay như tắm biển, các dịch vụ tại các bãi cát, các sản phẩm của tuyến tham quan số 4 trên Vịnh Hạ Long…?
+ Vịnh Hạ Long có một không gian không phải quá lớn, việc đón khách phụ thuộc rất nhiều vào sức tải của di sản. Việc tạo ra sức tải lớn hơn cho Vịnh Hạ Long phụ thuộc rất lớn vào việc tính toán của chúng ta cho hành trình của các tàu, phương tiện để làm sao có thể giảm tải ở một vài điểm hay bị quá tải. Vì vậy, việc phát triển các điểm tham quan, trải nghiệm đa dạng trên vịnh rất cần thiết để có thể giảm tải ở những điểm đang quá tải, gia tăng được số lượng khách, doanh thu và gia tăng sự trải nghiệm, sức hấp dẫn cho Vịnh Hạ Long, đặc biệt là với khách du lịch quốc tế, dựa trên các tài nguyên như là các bãi biển, hang động, làng chài thì chúng ta sẽ có dư địa rất lớn khi đưa khách ra đó.
Tuy nhiên, việc kết nối với các đơn vị quản lý trong việc xây dựng sản phẩm còn nhiều cái khó. Đơn cử như với sản phẩm trên tuyến tham quan số 4 của Vịnh Hạ Long, một trong những cái vướng đó là quy hoạch các khu vực để làm cơ sở cấp phép tạo ra các sản phẩm. Tôi nghĩ là thay vì chúng ta chỉ công bố những vùng nhỏ về vui chơi giải trí thì tại sao chúng ta không xác định Vịnh Hạ Long như là một công viên và có rất nhiều nơi có thể vui chơi, giải trí. Và nơi nào phù hợp, đảm bảo được về mặt môi trường, gìn giữ cảnh quan thì chúng ta tạo ra sản phẩm mới thôi, chứ không nhất thiết phải quy hoạch thành từng vùng nhỏ.
Đương nhiên là khi chúng ta làm theo hướng đó thì quy trình của chúng ta sẽ khác đi, không cần bị phụ thuộc vào quy hoạch nữa mà đi vào ngay việc xem xét tính khả thi của sản phẩm đó. Và khi xem xét thì người ta sẽ ưu tiên xem xét việc bảo vệ môi trường, an toàn cho du khách và các vấn đề khác.
– Vậy còn với các sản phẩm tàu du lịch tham quan, lưu trú trên Vịnh Bái Tử Long thì sao? Các sản phẩm này liệu có sức hút với doanh nghiệp không khi từ năm ngoái tới nay dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”?
+ Với sự hạn chế của Vịnh Hạ Long về sức tải thì trong thời gian tới, việc mở rộng sang Vịnh Bái Tử Long là rất quan trọng cho du lịch Quảng Ninh, đặc biệt là các doanh nghiệp đang kinh doanh tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Chúng tôi đang rất mong chờ có những hướng dẫn cụ thể để chúng tôi sớm có thể tạo ra những đội tàu ở dưới đó.
Tôi nghĩ rằng, khu vực vịnh Bái Tử Long sẽ tạo ra một cơ hội mới cho khả năng sáng tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, kéo dài thời gian trải nghiệm của du khách. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi rất mong muốn có một định hướng cho khu vực Bái Tử Long với các sản phẩm mang tính chất dẫn dắt hành trình trải nghiệm cho du khách, không xung đột với các sản phẩm đã có trên Vịnh Hạ Long. Cụ thể, chúng ta có thể tạo ra các sản phẩm trải nghiệm nhiều hơn trên các đảo, các bãi biển, hay là gắn với các giá trị văn hoá của thương cảng cổ Vân Đồn.
– Vậy ở góc độ doanh nghiệp, ông còn nhìn thấy cơ hội gì cho việc tạo ra các tài nguyên, sản phẩm du lịch để hấp dẫn du khách dựa trên lợi thế của Quảng Ninh hiện nay?
+ Với kinh nghiệm những năm làm du lịch ở Quảng Ninh, tôi nhận thấy chúng ta có rất nhiều cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch, tạo ra các tài nguyên du lịch mới, cụ thể như gắn với Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, gắn với Vùng mỏ.
Quảng Ninh có văn hoá biển rất đa dạng và đặc biệt. Nếu như chúng ta có một kế hoạch, quy hoạch khu hậu cần nghề cá dọc theo tuyến ven bờ từ Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn để tạo ra các trung tâm văn hoá biển, từ đó là cơ hội để quản lý môi trường Vịnh Hạ Long thì rất là tốt. Và chính những trung tâm văn hoá biển đấy là nơi tạo ra các sản phẩm gắn với nghề của ngư dân ở trên biển rất hấp dẫn, khác biệt.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn được biết đến là một Vùng mỏ, vùng than bất khuất, có rất nhiều di tích lịch sử – thắng cảnh, có sự hào hùng của người dân Vùng mỏ. Vì vậy, chúng tôi rất muốn có một không gian bảo tàng ngoài trời để kể những câu chuyện về Vùng mỏ này. Đơn cử như ở khu vực Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng cũ, hiện vẫn còn đầy đủ cơ sở hạ tầng có sẵn, nếu như chúng ta có thể biến nơi đây thành không gian văn hoá mỏ trên hành trình trải nghiệm của du khách bên bờ Vịnh Hạ Long thì rất tuyệt vời.
– Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!