Phim truyền hình Việt đang trong giai đoạn phát triển nhưng lớp đạo diễn trẻ, thế hệ kế thừa lại không nhiều, không tương xứng với sự phát triển của thị trường.
Sau giai đoạn bão hòa, phim truyền hình Việt khởi sắc và vẫn đang trong quá trình phát triển với các tác phẩm ấn tượng. Đặc biệt, những phim truyền hình được Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (Vietnam Television Film Center – viết tắt VFC) đầu tư mạnh từ kịch bản, diễn viên, bối cảnh quay… ngày càng được khán giả yêu thích, đón nhận.
Dù chưa thể trở lại giai đoạn hoàng kim, các nhà sản xuất phim truyền hình phía Nam cũng đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của khán giả qua những tác phẩm bối cảnh xưa đặc trưng. Trong nỗ lực chung, giới chuyên môn nhận định một trong những nỗi lo hiện nay là thiếu lực lượng đạo diễn trẻ giỏi nghề, bứt phá với các tác phẩm ấn tượng, nhất là tại thị trường miền Nam.
Ở VFC, những đạo diễn trẻ có cơ hội trui rèn, thể hiện và có những tác phẩm được khán giả yêu thích, dần được công nhận hiện nay là Nguyễn Đức Hiếu và Lê Đỗ Ngọc Linh với: “11 tháng 5 ngày”, “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Lối nhỏ vào đời”…; Phạm Gia Phương và Trần Trọng Khôi với “Biệt dược đen”…
Cách đây khoảng 4-5 năm, những đạo diễn trẻ được nhớ tên của VFC thời điểm đó có: Mai Hiền, Bùi Tiến Huy, Nguyễn Khải Anh, Bùi Quốc Việt. Hiện nay họ đều đã có không ít tác phẩm riêng đủ sức chinh phục khán giả. Đáng tiếc là phim truyền hình phía Nam lại thiếu lực lượng đạo diễn trẻ, quanh đi quẩn lại chỉ có những cái tên gạo cội hoặc đã có tên tuổi vững chắc trong nghề như NSƯT Hồ Ngọc Xum, NSƯT Nguyễn Phương Điền, Trương Dũng, Nguyễn Quang Minh…
Vì thế, nhìn tổng thể, phim truyền hình Việt Nam vẫn cần nhiều gương mặt đạo diễn mới nhằm tạo sự sinh động cho thị trường. Một số lý giải được người trong giới đưa ra rằng hiện nay điện ảnh phát triển mạnh ở thị trường phía Nam và nhiều người trẻ muốn thử sức ở lĩnh vực này hơn là chọn lựa phim truyền hình. Họ đầu tư thời gian, công sức và cơ hội để tỏa sáng trên màn ảnh rộng và nếu được thì phát triển ở lĩnh vực này còn hơn chọn phim truyền hình đang có nhiều giới hạn, nhất là về kinh phí đầu tư.
Trong khi đó, VFC có môi trường phát triển phim truyền hình rộng hơn và có thể tìm kiếm, bồi dưỡng, tạo sự trui rèn với những đạo diễn trẻ. Vì thế, nếu muốn tạo dựng nguồn nhân lực trẻ, cải thiện tình hình thì các nhà sản xuất tư nhân, trung tâm sản xuất từ các đài truyền hình phía Nam nói riêng, cả nước nói chung cần tăng cường tạo cơ hội cho người trẻ để thu hút, tạo điều kiện cho họ rèn nghề.