Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, đến hết ngày 26/9/2024 đã có 17.553 khách hàng tại Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi bão số 3, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng là 46.425 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại 10.456 tỷ đồng. Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do bão số 3 gây ra, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ và đề nghị ngành ngân hàng triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với nhóm khách hàng này.
Tính đến 30/9/2024, vốn huy động tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 215.000 tỷ đồng, tăng 4,5% so với thời điểm 31/12/2023. Dư nợ vốn tín dụng đến 30/9/2024 dự kiến đạt 192.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với thời điểm 31/12/2023, trong đó: Dư nợ cho vay thành phần kinh tế nhà nước đạt 22.815 tỷ đồng, chiếm 12%; dư nợ cho vay thành phần kinh tế ngoài nhà nước đạt 167.313 tỷ đồng, chiếm 76,8% tổng dư nợ, tăng 7,4% so 31/12/2023; dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng đạt 43.589 tỷ đồng, tăng 1,9% so 31/12/2023. Nhìn chung tình hình tăng trưởng tín dụng 9 tháng đã đạt kịch bản, trong đó nguôn vốn giải ngân chủ yếu cho sản xuất kinh doanh (trên 76%), đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh.
Để có kết quả này, NHNN chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngân hàng tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải cách hành chính và tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đơn vị chủ động nắm bắt, giải đáp, xử lý kịp thời các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân trong quan hệ tín dụng và sử dụng dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Trong 9 tháng qua, NHNN Chi nhánh tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tham gia 5 Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, đã giải ngân cho vay với số tiền là 1.905 tỷ đồng/153 khách hàng; giảm lãi suất, phí 10.550 triệu đồng/122 khách hàng.
Đặc biệt, ngay sau khi Quảng Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, NHNN Chi nhánh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động ngân hàng, đồng thời chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh; xử lý nợ, xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng, mất khả năng chi trả theo các quy định hiện hành… Từ đó, có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi…, triển khai gói tín dụng cho vay mới với mức lãi suất hợp lý, quy mô hợp lý giúp người dân, doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh, phục hồi sau cơn bão.
Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh Quảng Ninh cũng tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động các ngân hàng, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô, cảnh báo sớm nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Các ngân hàng cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm rà soát, khắc phục, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, vi phạm nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn hệ thống.
Để phát huy vai trò của hoạt động tín dụng trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền một số nội dung. Trong đó, đề nghị nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018). Tỉnh cũng đề nghị ban hành chính sách về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 nhằm tạo cơ sở pháp lý và khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn cho vay, hỗ trợ khách hàng khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, nhất là các trường hợp không còn tài sản để thế chấp tiền vay. Đồng thời, bổ sung đối tượng các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đầu tư, sản xuất kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực thương mại, dịch vụ (trong đó có đối tượng khách hàng đang kinh doanh tàu dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long)… bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 được hưởng chính sách khoanh nợ tương tự như đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với thời gian khoanh nợ khoảng 2 năm và tỉnh sẽ cân đối nguồn lực để thực hiện xử lý tiền lãi theo quy định của chính sách do Trung ương ban hành.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay mới để khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời có cơ chế về cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản đảm bảo, có cơ chế riêng xử lý rủi ro để tạo hành lang pháp lý và khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Cùng với đó, có chính sách cho vay bổ sung để khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng đang có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội bị thiệt hại của bão số 3 và mưa lũ, được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận, có nhu cầu vay vốn để khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh: Mức cho vay bổ sung tối đa không quá 100 triệu đồng/khách hàng và không phải thế chấp tài sản.
Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, đến hết ngày 26/9/2024 đã có 17.553 khách hàng tại Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi bão số 3, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng là 46.425 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại 10.456 tỷ đồng. Cụ thể, tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh có 12.709 khách hàng bị ảnh hưởng thiệt hại liên quan đến vốn vay 741,2 tỷ đồng, với tổng dư nợ bị thiệt hại là 424 tỷ đồng; tại các TCTD còn lại có 6.265 khách hàng, với tổng dư nợ bị thiệt hại là 10.032 tỷ đồng. Trong đó: Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản: 1.511 khách hàng, dư nợ 1.131 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại, dịch vụ: 3.482 khách hàng, dư nợ 4.176,5 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp – xây dựng: 1.272 khách hàng; dư nợ 4.274,5 tỷ đồng.