Sáng 29/8, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trong đó đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.
Việc áp thuế sẽ làm tăng chi phí cho bà con nông dân
Về phía cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, trong Thường trực Ủy ban hiện có 2 luồng quan điểm liên quan vấn đề nêu trên.
Quan điểm thứ nhất, đề nghị giữ như quy định hiện hành vì nếu chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì người nông dân (ngư dân) sẽ chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế giá trị gia tăng, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Quan điểm thứ hai, thống nhất với cơ quan soạn thảo, chuyển nhóm ngành hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản vào diện chịu thuế VAT 5%. Việc quay lại áp dụng thuế suất 5% sẽ có các tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu; đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%) và ngân sách nhà nước sẽ không tăng thu do phải bù trừ giữa tăng thu từ khâu nhập khẩu với việc hoàn thuế cho sản xuất trong nước.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị giữ phân bón thuộc diện không chịu thuế VAT như quy định hiện hành. Theo ông Hải, việc áp thuế sẽ làm tăng chi phí cho bà con nông dân.
Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc áp thuế trong điều kiện bà con nông dân còn rất nhiều khó khăn, tình trạng bỏ ruộng hoang ở nhiều nơi vẫn xảy ra vì thu nhập thấp. “Trong thời điểm hiện nay chưa nên đánh thuế đối với phân bón”, đại biểu Mai Văn Hải nêu quan điểm.
Để hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và nông dân, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) đề xuất nên áp thuế suất 0% với phân bón, với đề xuất này doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế. “Người nông dân một nắng hai sương, lời lãi chẳng bao nhiêu. Nếu chúng ta thu 5% thuế VAT với phân bón, sẽ đánh trực diện vào hiệu quả sản xuất nông nghiệp”, đại biểu Đinh Ngọc Minh băn khoăn.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), nếu giữ như quy định luật hiện hành thì doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, và phí này được tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá sản phẩm. Từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% thì sẽ xử lý được các bất cập liên quan đến hoàn thuế VAT đầu vào của doanh nghiệp, nhưng chắc chắn sẽ làm tăng giá phân bón. “Điều này sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của người nông dân. Vì vậy, nên giữ như quy định hiện hành, phân bón thuộc các đối tượng không chịu thuế VAT”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.
Trong trường hợp muốn bảo đảm hài hòa thì đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%. Như vậy, vừa xử lý được bất cập liên quan đến hoàn thuế VAT đầu vào của doanh nghiệp, vừa không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thậm chí còn có thể làm giảm giá phân bón, khuyến khích phát triển nông nghiệp.
Hiện đại, khách quan nhưng phải đúng bản chất của thuế gián thu
Cho ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, Luật Thuế giá trị gia tăng là đạo luật tác động sâu rộng tới toàn xã hội, mọi người, mọi nhà; do đó, Việt Nam cần có một sắc thuế thực sự hiện đại, khách quan nhưng cũng phải đúng bản chất của thuế gián thu.
Thuế giá trị gia tăng khác với các loại thuế khác vì đạo luật này cần có những “đường ray” để các quy định có tính khách quan. Do đó, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, những nội dung trong dự thảo Luật cần hướng tới sự phổ quát, không đi vào trực tiếp đối tượng nào để tránh việc quy định quá cụ thể làm mất tính khách quan của loại thuế này.
Quan tâm đến chính sách thuế giá trị gia tăng đối với chuỗi cung ứng sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) nêu rõ, theo định hướng chính sách, sản phẩm nông nghiệp sơ chế là sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống để bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội nên được hỗ trợ phát triển, nguyên tắc chung của thuế giá trị gia tăng sẽ áp dụng đối tượng không chịu thuế đối với sản phẩm nông nghiệp sơ chế tại tất cả các khâu.
Tuy nhiên, thuế giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sơ chế chưa thống nhất tại các khâu nên vô hình chung 2 lần thuế giá trị gia tăng được ghi nhận vào giá thành, làm tăng giá sản phẩm nông nghiệp sơ chế, chưa bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội. “Đây là một trong những tồn tại nhiều bất cập và chưa được tháo gỡ tại dự thảo Luật thuế sửa đổi lần này”, đại biểu Tráng A Dương chỉ rõ.
Theo quy định hiện hành, tại khâu sản xuất, tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi phải ghi nhận toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào thành chi phí. Tại khâu sơ chế, tổ chức mua sản phẩm nông nghiệp để sơ chế và bán cho tổ chức khâu thương mại thì toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào không thể khấu trừ, không thể hoàn và cũng không thể ghi chi phí nên liên tục tích lũy tăng thêm dẫn đến tồn đọng dòng tiền kéo dài, gia tăng chi phí sử dụng vốn. Tại khâu kinh doanh thương mại thì tổ chức kinh doanh thương mại chịu thuế giá trị gia tăng 5% khi bán sản phẩm nông nghiệp sơ chế và cộng vào giá thành sản phẩm.
“Như vậy, trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sơ chế đang áp dụng 3 loại thuế suất thuế giá trị gia tăng khác nhau tại mỗi khâu, bao gồm: loại không chịu thuế tại khâu sản xuất; loại không phải tính, nộp thuế tại khâu sơ chế; loại thuế suất 5% ở khâu thương mại bán ra. Điều này là chưa phù hợp với nguyên tắc chung của thuế giá trị gia tăng, tức là xác định một loại thuế giá trị gia tăng áp dụng cho sản phẩm nông nghiệp sơ chế thống nhất ở tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, sơ chế hay kinh doanh thương mại”, đại biểu Tráng A Dương chỉ rõ.
Trên cơ sở đó, đại biểu Tráng A Dương đề nghị, cần áp dụng thống nhất theo đối tượng không chịu thuế tại tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, sơ chế hay kinh doanh thương mại. Như vậy, chỉ thuế giá trị gia tăng đầu vào thực tế phát sinh tại khâu sản xuất, sơ chế được ghi nhận vào giá thành sản phẩm nông nghiệp sơ chế, thuế giá trị gia tăng 5% ở khâu thương mại không còn phát sinh nên không làm tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp sơ chế.