Với mục tiêu tăng cường đảm bảo ATGT, năm 2020, Quảng Ninh thành lập Trung tâm Giám sát GT-VT đường bộ. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm vận hành, các hoạt động giám sát còn có những bất cập, ảnh hưởng đến công tác kiểm soát phương tiện theo quy định.
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên thành lập Trung tâm Giám sát GT-VT Quảng Ninh, có chức năng giám sát GT-VT đường bộ trên các hệ thống giao thông thông minh của Bộ GT-VT và của tỉnh; khai thác thông tin, dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước về kiểm soát, điều tiết mật độ phương tiện; giám sát hoạt động của phương tiện vận tải, phát hiện các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh, ATGT đối với các phương tiện, lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ để cung cấp cho các cơ quan chức năng và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Với chức năng của mình, giai đoạn đầu đi vào hoạt động, Trung tâm đã khẳng định vai trò trong phát hiện, nhắc nhở kết hợp xử lý hiệu quả các trường hợp vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải thông qua việc khai thác nền tảng ứng dụng công nghệ. Các phương tiện có hành vi vi phạm như: Chạy ẩu, phóng nhanh, lấn làn, vượt đèn đỏ, sử dụng điện thoại, quy định thời gian lái xe… đều được báo về Trung tâm để tổng hợp, giám sát, kiểm tra. Tùy thuộc các mức độ vi phạm để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhắc nhở cảnh cáo, đến thông báo cho lực lượng TTGT, Sở GT-VT để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định. Từ đó đã góp phần răn đe, nâng cao ý thức, trách nhiệm của lái xe trong mỗi hành trình, góp phần đảm bảo ATGT.
Tuy nhiên theo đại diện Trung tâm Giám sát GT-VT Quảng Ninh: Hoạt động giám sát đang xuất hiện nhiều bất cập và gây khó khăn cho đơn vị thực thi công vụ. Điển hình, như hạ tầng công nghệ chưa thực sự đồng bộ, đặc biệt một số khu vực vùng sâu, vùng xa, có hạ tầng viễn thông không ổn định đã ảnh hưởng đến việc truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về trung tâm. Một số quy định pháp luật còn thiếu rõ ràng, chồng chéo khiến việc giám sát và xử lý vi phạm chưa thực sự thuận lợi. Còn có doanh nghiệp kinh doanh vận tải chưa quan tâm đến lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị giám sát hành trình đúng quy định, khiến việc duy trì hoạt động liên tục, gặp khó khăn…
Trước đây, việc giám sát phương tiện được thực hiện trên thiết bị GPS, giám sát lái xe được kiểm tra thông qua camera (yêu cầu trang bị bắt buộc trên xe theo Nghị định 47/2022/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô). Các vi phạm về sử dụng điện thoại khi lái xe, thông tin về tốc độ, quãng đường, quy định thời gian lái xe được phát hiện, nhắc nhở…, thời gian qua, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu của Cục Đường bộ đang ở tình trạng quá tải, khiến công tác giám sát tại Trung tâm không thể thực hiện được. Việc giám sát lái xe bằng hình ảnh tại Trung tâm gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Nghị định 10/2020/NĐ-CP (ngày 17/1/2020) của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chưa quy định rõ khi hoàn tất việc chấp hành nộp trả phù hiệu bị thu hồi vì vi phạm các lỗi về điều kiện kinh doanh vận tải, thì sau thời gian bao lâu, đơn vị kinh doanh vận tải được phép nộp hồ sơ đề nghị cấp lại phù hiệu vận tải. Từ đó, dẫn tới tình trạng sau khi nộp trả phù hiệu do bị xử lý vi phạm, ngay lập tức đơn vị kinh doanh có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp lại phù hiệu…, điều này khiến việc xử lý vi phạm của đơn vị kinh doanh chưa mang tính răn đe cao.
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 6.300 phương tiện kinh doanh vận tải do Sở GT-VT quản lý và cấp phù hiệu, chịu sự giám sát từ Trung tâm Giám sát GT-VT Quảng Ninh, tuy nhiên đến nay đang có 1.325 phương tiện không truyền dữ liệu truyền về. Điều này, đang vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm và mất ATGT. Anh Nguyễn Tuấn Linh, lái xe khách tuyến Hạ Long – Hà Nội, cho biết: Việc kiểm soát phương tiện thông qua hệ thống GPS và camera từ Trung tâm Giám sát GT-VT không chỉ nhắc nhở lái xe phải cẩn thận hơn khi làm việc mà trong trường hợp không may xảy ra rủi ro tai nạn, Trung tâm sẽ là đơn vị phát hiện sớm nhất để thông báo đến các cơ quan chức năng ứng phó, cứu hộ kịp thời. Đồng thời, còn là căn cứ đặc biệt quan trọng để cơ quan chức năng, chủ xe và các công ty bảo hiểm xác định và làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Vì thế, việc duy trì hoạt động của các thiết bị giám sát là rất cần thiết, không chỉ nâng cao trách nhiệm, ý thức của lái xe mà còn đảm bảo an toàn cho hành khách cũng như phương tiện trong lộ trình di chuyển.
Việc vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát GT-VT là giải pháp cần thiết để tăng cường siết chặt quản lý hoạt động vận tải, góp phần đảm bảo ATGT. Vì thế, để Trung tâm phát huy vai trò, rất cần sự quan tâm của các đơn vị liên quan, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết sớm những tồn tại, bất cập.