Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bảo vệ di sản không chỉ dừng lại ở xác định khu vực bảo vệ, mà còn cần tính đến cách khai thác, sử dụng di sản bền vững, để vừa bảo tồn được giá trị văn hóa, vừa phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm cuộc sống người dân.
Chiều 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Chỉnh lý tập trung vào các hoạt động trọng điểm
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đóng góp và chỉ đạo bỏ cụm từ “di sản tư liệu” trong dự thảo luật, nhưng vẫn giữ nguyên quy định về cơ chế, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Dự thảo luật đã được chỉnh lý các chính sách bảo vệ di sản theo hướng tập trung vào những hoạt động trọng điểm và phù hợp với thực tiễn, ưu tiên ngân sách cho các hoạt động đặc thù như bảo vệ tiếng nói, chữ viết của các dân tộc, đào tạo nhân lực quản lý di sản (Điều 7, Điều 19, Điều 84, Điều 85).
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả trong bảo vệ di sản, đặc biệt là quy định về khu vực bảo vệ di tích (Điều 27), và điều kiện xã hội hóa nguồn lực để bảo tồn di sản (Điều 82, Điều 90).
Về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo đã được điều chỉnh để quỹ chỉ hỗ trợ các hoạt động trọng tâm. Quy định cũng trao quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập quỹ này tại địa phương dựa trên tình hình thực tế.
Liên quan đến thanh tra di sản văn hóa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định để phù hợp với pháp luật về thanh tra. Chính phủ đã có đề nghị đưa quy định về thanh tra di sản vào dự thảo luật, bảo đảm tính thống nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương và 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong Kỳ họp thứ 8 lần này.
Bảo đảm sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn di sản
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Ông cho rằng, cần có những quy định rõ ràng và cụ thể hơn trong việc xác định các di sản phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền. Điều này bao gồm việc định rõ những yếu tố nguy cơ như số lượng nghệ nhân giảm sút hoặc sự xâm lấn của không gian văn hóa liên quan để tạo cơ sở vững chắc cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp.
Ngoài ra, đại biểu Bình cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Theo ông, cộng đồng không chỉ là chủ thể của di sản mà còn là lực lượng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của chúng.
Do đó, cần có các biện pháp hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là cho các cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo, nơi mà các di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Cộng đồng cần được hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất cũng như tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực bảo tồn di sản.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị cân nhắc kỹ về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương.
Theo ông, việc hình thành quỹ ở mỗi địa phương là cần thiết nhưng không phải tỉnh nào cũng đủ khả năng thành lập và quản lý quỹ này. Thay vào đó, đại biểu đề xuất nên thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở cấp Trung ương, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý.
Đối với việc đầu tư xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ gần khu vực bảo vệ di tích, đại biểu Hải cho rằng cần quy định cụ thể về phạm vi và tiêu chí nhận diện các yếu tố tác động tiêu cực đến di tích.
Việc xác định những công trình có khả năng ảnh hưởng đến di sản cần được thực hiện cẩn trọng để vừa bảo vệ được yếu tố gốc của di sản, vừa không gây khó khăn cho đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế của địa phương.
Đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đóng góp ý kiến liên quan đến các quy định hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa. Ông ghi nhận sự kế thừa từ luật hiện hành nhưng cũng chỉ ra những điểm cần cải thiện, đặc biệt là các quy định chưa cụ thể về các điều kiện hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa, từ việc thành lập bảo tàng cho đến chi phí cho các hoạt động kiểm kê, tu bổ di sản.
Đại biểu Sinh cho rằng, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy di sản, một phần do kinh phí hạn chế, một phần do thiếu các cơ chế khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân và các doanh nghiệp trong việc đầu tư bảo tồn di sản.
Để khắc phục những hạn chế này, ông đề xuất cần có các quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết ngay sau khi luật được thông qua, nhằm hỗ trợ các địa phương nhanh chóng đưa luật vào thực tiễn.
Cuối phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thay mặt cơ quan thẩm tra đã giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ông ghi nhận các ý kiến đóng góp và khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Về vấn đề khu vực bảo vệ di sản, ông Vinh nhấn mạnh rằng cần có sự cân đối giữa nhiệm vụ bảo vệ di sản và bảo đảm cuộc sống của người dân. Việc bảo vệ di sản không thể chỉ dừng lại ở việc xác định khu vực bảo vệ mà còn phải tính đến cách khai thác, sử dụng di sản một cách bền vững, để không chỉ bảo tồn được giá trị văn hóa mà còn phát triển kinh tế, xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng mong muốn nhận được sự thống nhất quan điểm di sản phải được bảo vệ chặt chẽ chứ không thể nói việc đã xác định di sản, khu vực bảo vệ nhưng lại ưu tiên những việc khác hơn là bảo vệ di sản…