Nông dân trồng cam sành (tỉnh Vĩnh Long) đang thua lỗ nặng khi giá cam sành chỉ còn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg đối với cam đẹp. Nếu bán xô ngang có giá dưới 1.000 đồng/kg, nhiều nông dân lo mất vui khi Tết đang đến gần.
Bà Lê Thị Oanh (xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn) cho biết, bà có hơn 1,8ha trồng cam sành và đang chịu cảnh để cho cam chín tự rụng 50 – 60kg mỗi ngày.
Theo bà Oanh, số cam còn lại khoảng 20 tấn. Nếu thương lái tiếp tục cắt mỗi ngày khoảng 250kg với giá 1.500 đồng/kg thì số lượng cam bán hết chưa đến 10 tấn. Như vậy, bà sẽ lỗ hơn 500 triệu đồng.
“Hơn chục năm trồng cam sành, chưa có vụ cam nào giá thấp như hiện nay. Năm nay, gia đình không còn niềm vui đón Tết vì thua lỗ từ cam”, bà Oanh cho biết thêm.
Chịu chung cảnh cam sành rớt giá, ông Nguyễn Văn Bía (62 tuổi) cho biết, nhà có 1,6ha trồng cam sành đã cho trái được 3 năm, đang trong giai đoạn sai trái với năng suất khoảng 55 – 65 tấn/ha.
Ông Bía cho biết, khoảng 10 ngày nay, mỗi ngày ông gọi khoảng 10 thương lái, nhiều người từ chối mua hoặc mua với giá thấp. Ông đành bấm bụng bán xô ngang nguyên vườn khoảng 20 tấn với giá 15 triệu đồng.
“Xem như có tiền mua xăng chạy máy phun nước tưới cam. Phân bón, thuốc phun dưỡng, công chăm sóc xem như mất trắng. Thua lỗ cam sành gần 700 triệu đồng, Tết này sao mà vui được”, ông Bía cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông 8 Chanh – một thương lái lớn tại huyện Trà Ôn – cho biết, trước đây, mỗi ngày xuất đi các chợ đầu mối ở TPHCM, Hà Nội, Bình Dương hơn 60 tấn cam. Nhưng hơn 1 tháng nay, mỗi ngày chỉ cắt tạm 4 – 5 tấn để bán cầm chừng.
Theo ông Chanh, đó là số cam sành cắt ở những vườn đã bỏ cọc lúc giá 3.500 đồng/kg, hiện nay tuyệt đối không mua mới. “Lý do dội chợ là không khí miền Bắc chuyển lạnh, nhiều người không dùng cam sành như những tháng trước đây, nên lượng cam tiêu thụ rất ít”, ông Chanh cho biết thêm.
Ngày 5.12, ông Nguyễn Văn Tám – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn – thông tin, diện tích cam sành của huyện hiện khoảng 10.410ha, tăng trên 1.600ha so với năm 2022.
Theo ông Tám, diện tích cam tăng nhanh trong giai đoạn 2018-2022 do người dân tự phát chuyển đổi trồng trên đất lúa. Hiện tại, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã khảo sát và cảnh báo tình trạng phát triển trồng cam sành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và yêu cầu phải có những khuyến cáo cho nông dân.
“Để tránh tình trạng được mùa mất giá, người dân nên lắng nghe những khuyến cáo của các ngành chức năng. Không nên đổ xô mở rộng diện tích trồng. Khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao vai trò tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng mã số vùng trồng…”, ông Tám cho biết thêm.