Nhằm phát huy thế mạnh, phát triển kinh tế biển, TP Cẩm Phả đã ban hành Nghị quyết về Phát triển kinh tế biển TP Cẩm Phả đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, coi việc phát triển du lịch, dịch vụ biển là một mũi nhọn.
Là thành phố lớn, đô thị loại II, Cẩm Phả có tổng diện tích tự nhiên là 486km2, có bờ biển dài dọc Vịnh Bái Tử Long rộng lớn. Thành phố còn là đầu mối giao thông bộ, đường thuỷ, cảng biển thuận tiện. Cẩm Phả có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ, du lịch. Vì thế, năm 2022, TP Cẩm Phả đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/9/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về Phát triển kinh tế biển TP Cẩm Phả đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Để hiện thực hoá lợi thế, tháng 11/2022, Cẩm Phả đã xây dựng và phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế biển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Nghị quyết trên vào tháng 2/2023.
Để làm tiền đề, phát triển kinh tế biển một cách khoa học, quy củ, thời gian qua, TP Cẩm Phả cũng đã ban hành hàng chục văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kiên quyết, xử lý dứt điểm di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản không phép trên biển; chuyển đổi vật liệu nổi; quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và chống khai thác bất hợp pháp.
Thành phố cũng phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển tỉnh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, thành phố cũng quan tâm, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước chặt chẽ về phát triển kinh tế biển; hoàn thiện hạ tầng cảng biển, phát triển kinh tế hàng hải, quy hoạch xây dựng cảng, đồng bộ khu vực hậu cần…
Việc quan tâm thúc đẩy, phát triển kinh tế biển cũng góp phần trang bị, hiện đại hoá hạ tầng, thay đổi diện mạo, góp phần gia tăng, thúc đẩy khai thác hiệu quả lợi thế cảng biển, du lịch, dịch vụ biển của Cẩm Phả. Theo đó, để thúc đẩy du lịch, dịch vụ biển, thời gian qua, Cẩm Phả cũng tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá phát triển kinh tế biển với nhiều sự kiện, hoạt động thiết thực, như: Phối hợp tổ chức Festival Áo dài Quảng Ninh 2022 và Show thời trang biển; lắp đặt trạm BTS tại đảo Rều, phục vụ du khách trong nước và quốc tế đến tham quan Khu di tích lịch sử Vũng Đục, Bái Tử Long…
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Cẩm Phả quan tâm, hoạch định là phát triển du lịch dịch vụ biển thành mũi nhọn. Theo đó, Cẩm Phả đã quan tâm, định hướng cụ thể các công trình, dự án giải pháp phát triển du lịch biển. Đó là việc chuyển toàn bộ hoạt động xuất nhập than khỏi Cảng Km6, giảm quy mô và từng bước chuyển đổi Cảng Km6 thành cảng tổng hợp, sau năm 2030 sẽ chuyển đổi thành cảng du lịch; triển khai thực hiện các dự án khu đô thị kết hợp với du lịch cảng biển; phát triển tổ hợp nghỉ dưỡng biển Quang Hanh với mô hình du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf…
Cẩm Phả cũng thúc đẩy đô thị du lịch biển Cẩm Phả để trở thành không gian công viên dịch vụ bãi tắm trung tâm thành phố, như với Quần thể công viên du lịch – dịch vụ Vũng Đục; Quy hoạch khu đô thị phía Nam thành phố (khoảng 1.000ha) là khu Quảng trường biển, trục cảnh quan – biểu tượng Cẩm Phả.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động du lịch văn hóa đền Cửa Ông, đền Cặp Tiên kết hợp du lịch tuyến biển. Nhờ đó, cho đến nay, du lịch biển Cẩm Phả đã có những chuyển động tích cực như: Phát triển một số điểm du lịch nghỉ dưỡng như Onsen Quang Hanh; chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư Dự án khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Địa chất, các điểm du lịch tâm linh như đền Cửa Ông tiếp tục được duy trì, phát triển; công bố và đưa vào hoạt động một số tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới trên biển.
Dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng với định hướng trên, TP Cẩm Phả đang nỗ lực, đẩy nhanh xây dựng Cẩm Phả thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phát triển các sản phẩm du lịch biển, mở rộng các không gian du lịch mới và kết nối với TP Hạ Long, huyện Vân Đồn, Cô Tô… phát triển du lịch sinh thái, khám phá trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa biển.