Là thành phố nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long, Cẩm Phả có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch. Việc định hướng, phát triển du lịch ra sao là điều được Cẩm Phả quan tâm. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, nhấn mạnh: Phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm nhằm chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Trong đó, Cẩm Phả tập trung thúc đẩy các sản phẩm đặc trưng, tăng cường kết nối… nhằm khai thác thế mạnh du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng có bản sắc riêng.
Theo đó, Cẩm Phả đã sớm quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư làm mới các sản phẩm truyền thống, tạo sức hút nhất định từ đây: hang động Vũng Đục thêm không gian mới, gia tăng sức hút cho Yoko Onsen Quang Hanh, trải nghiệm bãi tắm Lương Ngọc, Quảng Hồng với cảnh quan mới, hiệu ứng ánh sáng nghệ thuật, phục vụ du khách chụp ảnh, trải nghiệm…
Để phát triển sản phẩm du lịch mới, Cẩm Phả thúc đẩy mở rộng không gian du lịch ra phía Nam, làm mới 1 tuyến (TP Cẩm Phả – Công viên Hòn Xếp) kết hợp với tuyến 4 (Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long) được Sở Du lịch tham mưu xây dựng.
Đồng thời thúc đẩy việc khảo sát, hiện thực hóa 3 tuyến mới: TP Cẩm Phả đi đảo Ông Cụ và tham quan các đảo quanh thành phố; TP Cẩm Phả – Bản Sen (Vân Đồn) – Bãi tắm Lương Ngọc – Vũng Đục – đảo Ông Cụ – đảo Rều – Cửa Ông – đảo Tây Hoi; TP Cẩm Phả – Minh Châu, Quan Lạn (Vân Đồn)… Mở rộng thêm không gian, Cẩm Phả quy hoạch và quan tâm triển khai trải nghiệm vùng nuôi trồng trên biển gắn kết với phát triển du lịch; đẩy nhanh đầu tư 3 điểm neo đậu hướng tới ngủ đêm trên vịnh Bái Tử Long.
Tạo sản phẩm đặc trưng, có bản sắc, thành phố quan tâm thúc đẩy các sản phẩm du lịch liên quan tới ngành Than, như: Di tích Báo than, Bảo tàng Than (tại trụ sở Thị ủy Cẩm Phả), trong đó sản phẩm du lịch tham quan Khu di tích Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai được đăng ký phát triển sản phẩm mới với tỉnh năm 2024.
Theo đó, thành phố đang phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam nghiên cứu Dự án tu bổ di tích ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai (trọng tâm là dự án Nhà giữ lửa truyền thống), kết nối các di tích do ngành Than quản lý, địa điểm khai thác than lộ thiên để du khách tìm hiểu về sản phẩm du lịch than, như: Quảng trường 12/11, Ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai, Khu di tích và danh thắng Vũng Đục, Cầu Poóc Tích 1 – trận địa pháo Cao xạ – hầm chỉ huy của Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông… Tất cả nhằm tạo sản phẩm có bản sắc, theo hướng hội tụ văn hóa thợ mỏ. Thực tế, Cẩm Phả đã triển khai sản phẩm “Phố đêm thợ mỏ” từ năm 2022, tạo nét đẹp văn hóa, điểm nhấn, góp phần phát triển kinh tế đêm.
Đồng thời, thành phố cũng quan tâm tạo các sản phẩm khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, gắn với thế mạnh địa phương, như các chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh bên bờ vịnh Bái Tử Long đã thành công rực rỡ; các trò chơi, trải nghiệm trên bãi biển, khai thác phố đi bộ đêm, bãi tắm Bái Tử Long TTP…
Tháng 4-2024, UBND TP Cẩm Phả đã phối hợp với Sở Du lịch, Công ty CP Du lịch và Thương mại Hạ Long Cruises đưa Tập đoàn TUI Musement (có các hãng tàu biển lớn như: Meinchift Cruises, Alida Cruises, MSC Cruises) và các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát các điểm, sản phẩm du lịch tại địa phương để kết nối tạo các tour tuyến du lịch. Trong đó, có tour đi tàu từ vịnh Hạ Long – Bái Tử Long, thăm hang động Vũng Đục, đi về bằng ô tô trải nghiệm đường bao biển Cẩm Phả – Hạ Long…
Ngoài ra, thành phố còn quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cấp cơ sở lưu trú, đầu tư các điểm, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp trong tương lai, như: Khu đô thị, dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp tại phường Quang Hanh; Khu du lịch và đô thị sinh thái Cửa Ông; Khu đô thị du lịch, dịch vụ Bái Tử Long tại phường Cẩm Thành, Cẩm Bình…
Dù nhiều nội dung vẫn từng bước được hiện thực hóa, nhưng đổi thay về trải nghiệm, dịch vụ du lịch ở Cẩm Phả đang dần tạo sức hút với du khách. Trong 6 tháng đầu năm nay, du lịch Cẩm Phả đón 838.000 lượt khách, đạt doanh thu 495 tỷ đồng…