Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhất là hậu quả dịch Covid-19 kéo dài… Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại, tuy nhiên dưới sự lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh trên các lĩnh vực công tác, kinh tế Quảng Ninh vẫn vững vàng trên đà tăng trưởng khá. Đặc biệt, bám sát chủ đề công tác năm 2023, ngay từ đầu năm, tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện các mục tiêu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp.
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH, trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân. Những nội dung này được cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết, như: Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; Nghị quyết số 128/NQ-HĐND (ngày 9/12/2022) của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023…
Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 6/1/2023) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 122/CTr-UBND (ngày 19/1/2023) về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.
Theo đó, tỉnh đã quan tâm cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh theo cách tiếp cận của ngân hàng thế giới và cải thiện theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Đối với khởi sự doanh nghiệp, tỉnh đã quan tâm cải tiến quy trình đăng ký doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng; cấp mã số tự động, đăng ký lao động, BHXH, tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Trong cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, tỉnh đã chỉ đạo thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn thời gian ở mỗi bước. Đồng thời, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng không quá 12 ngày; cấp giấy phép xây dựng không quá 7 ngày; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng không quá 7 ngày; tổng thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan không quá 36 ngày.
Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực tiếp cận điện năng, tỉnh đã áp dụng dịch vụ trực tuyến, ban hành quy định về “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục cấp điện qua lưới trung áp giữa các cơ quan nhà nước và ngành Điện trên địa bàn. Đến nay, trên 86% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Song song với đó, tỉnh cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký tài sản, trong đó tỉnh chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm các thành phần hồ sơ có thể tiếp cận liên thông trên phần mềm chính quyền điện tử trong giải quyết TTHC về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai… Qua đó, đã rút ngắn thời gian thực hiện đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất vào giấy chứng nhận đã cấp không quá 14 ngày (thời gian quy định là không quá 30 ngày); thời gian thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu không quá 7 ngày; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu không quá 15 ngày.
Tỉnh cũng quan tâm công bố thông tin đầy đủ, minh bạch đối với các thông tin quan trọng như dự án, quy hoạch, các thủ tục pháp lý… có khả năng ảnh hưởng tới việc ra quyết định của nhà đầu tư. Đồng thời, chủ động rà soát các doanh nghiệp trong quá trình xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và sau đăng ký kinh doanh; thẩm tra kỹ lưỡng những biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên và bất thường, hội đồng quản trị; các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, số cổ đông…
Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã rà soát 3.000 hồ sơ, trong đó đề nghị 200 doanh nghiệp làm rõ hoặc yêu cầu tiến hành các thủ tục họp, ban hành nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật; yêu cầu 30 doanh nghiệp báo cáo hoặc giải trình các nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp theo đúng quy định; chuyển cơ quan thanh tra xử lý 2 trường hợp vi phạm…
Tích cực triển khai công tác chuyển đổi số, các ngành chức năng của tỉnh cũng chủ động tuyên truyền các ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế, như: Thuế điện tử, ứng dụng hỗ trợ kê khai, ứng dụng phần mềm đọc tờ khai thuế điện tử Itax Viewer; hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Đồng thời, triển khai nộp thuế trước bạ phương tiện, các khoản thu về đất đai trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên ứng dụng eTax Mobile đối với hộ gia đình, cá nhân. Tỷ lệ hồ sơ khai thuế, nộp thuế tiếp tục duy trì ở mức cao. Tỷ lệ hồ sơ khai thuế đã nộp đạt 99,7%; tỷ lệ khai thuế điện tử đạt 99,2%; 100% hồ sơ hoàn thuế GTGT được tiếp nhận và trả kết quả qua hình thức điện tử; 100% hồ sơ hoàn thuế GTGT thuộc trường hợp hoàn trước, kiểm tra sau được giải quyết đúng hạn. Tính đến ngày 31/5/2023, đã có 1.777 doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thuộc đối tượng triển khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Đẩy mạnh cải cách TTHC, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để ổn định sản xuất, kinh doanh… được tỉnh quan tâm triển khai tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2023 về “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư”, thúc đẩy phát triển, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh.