Những năm gần đây, Quảng Ninh tiếp tục vượt qua các tỉnh, thành phố trong cả nước để duy trì vị trí đứng đầu Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và nhiều chỉ số khác. Đây là một trong những kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, phản ánh hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền tỉnh.
Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ cải cách hành chính là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt và là trách nhiệm chính của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cơ quan công quyền của tỉnh đều xác định chủ thể những lợi ích của cải cách hành chính trên hết, trước hết chính là nhân dân, doanh nghiệp. Vì vậy, tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt là phải luôn luôn lấy sự hài lòng của nhân dân, tổ chức làm thước đo cho hiệu quả công tác cải cách hành chính, với phương châm cải cách hành chính là thường xuyên, kiên trì, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm.
Từ quan điểm đó, hơn một thập niên qua, Quảng Ninh kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với nhiều quyết sách mạnh mẽ. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đưa mục tiêu: “Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể hoá bằng nghị quyết chuyên đề số 05 năm 2021; HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách hành chính; UBND tỉnh ban hành trên 30 quyết định, kế hoạch, chương trình hành động và trên 570 thông báo, văn bản chỉ đạo điều hành.
Đồng thời với đó, tỉnh cũng mạnh dạn thí điểm những mô hình quản trị mới phù hợp thực tiễn địa phương phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số toàn diện; mở rộng sự kết nối, trao đổi thông tin, tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp với người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Lê Văn Sáng, Chủ tịch CLB Đầu tư và khởi nghiệp TP Hạ Long, những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp được hưởng lợi rất lớn từ sự cải cách của tỉnh, từ đó tạo động lực để doanh nghiệp phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ việc giải quyết các TTHC, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp luật… Mới đây, việc thành lập Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Đây là một trong những địa điểm để khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp có điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất đầy đủ để tham gia sáng tạo, phát triển ý tưởng của mình. Từ đó, góp phần vào thực hiện các mục tiêu của tỉnh trong việc triển khai các định hướng của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, xác định con người chính là yếu tố then chốt quyết định thành công của công tác cải cách hành chính, Quảng Ninh luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giải quyết TTHC làm việc tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương đều cử cán bộ giải quyết TTHC cơ bản đều là các cán bộ còn trẻ, năng động, nhiệt huyết với công việc, có năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác và có phẩm chất đạo đức, kỹ năng giao tiếp tốt để giải thích cho công dân quy trình giải quyết TTHC. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, đặc biệt cử các đoàn tăng cường kiểm tra đột xuất tại các Trung tâm Hành chính công các cấp và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, phường. Trong 3 năm (2021-2023) có trên 16.100 lượt CBCCVC được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tổng kinh phí 31 tỷ đồng để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đặc biệt là những kỹ năng nghiệp vụ hành chính, đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, sự năng động, trung thực, kỷ cương, gương mẫu, tận tâm phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội trong giải quyết công việc. Theo kết quả khảo sát 9 tháng năm 2024, tại các trung tâm hành chính công có tới 99,6% số phiếu đánh giá của người dân, doanh nghiệp đều ghi nhận thời gian giải quyết TTHC; nhanh, phong cách hoà nhã, thân thiện và chất lượng phục vụ tốt.
Để đẩy mạnh cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát các văn bản có liên quan để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh các TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần. Đến nay, toàn tỉnh đã đồng bộ 1.263 dịch vụ công trực tuyến (gồm: 568 dịch vụ công trực tuyến một phần, 695 dịch vụ công trực tuyến toàn trình) lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 77,4%. Trong đó, một số sở, ban, ngành đã đưa 100% TTHC vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, gồm: Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Công thương, Sở Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Ngoại vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng. Hiện, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp tỉnh Quảng Ninh đạt trên 90%, trong đó: Cấp xã đạt trên 85%, cấp huyện đạt trên 90%, cấp tỉnh đạt trên 95%. Tỉnh cũng duy trì tốt việc liên thông, kết nối Hệ thống chính quyền điện tử với cơ sở dữ liệu dùng chung của các bộ, ngành Trung ương…
Với những chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong cải cách hành chính, nhiều năm qua, Quảng Ninh liên tiếp đạt được những kết quả đáng ghi nhận đối với các chỉ số PAR Index, SIPAS, PCI, PGI. Đặc biệt năm 2023, tỉnh tiếp tục dẫn đầu toàn quốc, là năm thứ 7 liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI, năm thứ 6 dẫn đầu Chỉ số PAR Index, năm thứ 5 liên tiếp dẫn đầu Chỉ số SIPAS, 11 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Các chỉ số là những thang đo rất khoa học, phản ánh tiếng nói khách quan của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của hệ thống chính trị trong tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước, của đội ngũ CBCCVC toàn tỉnh. Điều này cũng được minh chứng bằng kết quả phát triển KT-XH của tỉnh với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 2 con số trong 9 năm liên tiếp; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc, đứng thứ 2 cả nước; tổng thu NSNN, nhất là thu nội địa luôn đứng trong tốp đầu cả nước… Những thành tích trên hành trình cải cách đã xây dựng thương hiệu Quảng Ninh “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”.