Cả nước có khoảng 3.100 DN ngành cơ khí, cơ hội phát triển đối với ngành này đang rộng mở, nhưng thực tế các sản phẩm cơ khí chưa có chỗ đứng trên thị trường.
Mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3 thị trường trong nước
Theo báo cáo của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất. Các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.
Thực tế cho thấy, cơ hội cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển để cạnh tranh không phải không có, nhưng, hàng loạt các vướng mắc, bất cập vẫn đang “kìm” chân doanh nghiệp. Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu trên dưới 40 tỷ USD các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng.
Báo cáo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, hiện nay cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ và ô tô và phụ tùng ô tô. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí.
Cụ thể, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…
Ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Song, hiện nay ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Các chuyên gia đánh giá, với dân số 100 triệu người, đa phần là dân số trẻ, Việt Nam có triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí hàng đầu Đông Nam Á. Điều này sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Và bài học của Thailand được nhiều chuyên gia cho rằng, là cảm hứng để Việt Nam vươn lên, phát triển công nghiệp cơ khí, tiến tới xuất khẩu. Việt Nam được đánh giá là quốc gia hội tụ nhiều yếu tố để phát triển một ngành công nghiệp cơ khí mạnh.
Ngoài ra, trên thực tế chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của một số doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Đồng thời thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt.
Làm gì để hướng tới thị trường hơn 300 tỷ USD?
Để phát triển công nghiệp cơ khí, theo VAMI, cần có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành; ưu đãi cho công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính…Đồng thời giúp doanh nghiệp thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí trong nước và doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, nhà nước cũng nên tạo nhiều đơn hàng, trong đó có đơn hàng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công.
Theo TS. Trương Chí Bình – Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ngành cơ khí đang gần như không có một ưu đãi gì. Nếu nói về công nghiệp hỗ trợ thì có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng ưu đãi chỉ khi doanh nghiệp có thu nhập song thường các doanh nghiệp sản suất chế tạo 3-5 năm đầu gần như không có lãi. Do đó quan trọng là phải hỗ trợ đầu vào để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
“Đang rất thiếu các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cơ khí. Hầu hết là những người theo đuổi ngành này như một đam mê. Vì lợi nhuận không ai đi đầu tư sản xuất cơ khí. Việc này thì nước nào cũng thế không chỉ phải ở Việt Nam“, bà Bình cho biết.
Song theo bà Bình, các nước vẫn có ngành công nghiệp cơ khí phát triển bởi có những chính sách phù hợp như: Tạo ra dung lượng thị trường đủ lớn cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất.
Cục Công nghiệp cũng đưa ra giải pháp, Bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Ông Phan Lê Hoàng Linh- Trưởng phòng Phòng Công nghiệp chế tạo, Cục Công nghiệp cho rằng, Cục Công nghiệp đang nghiên cứu, xây dựng Luật công nghiệp trọng điểm, đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển cho một số ngành công nghiệp trong thời kỳ mới trong đó có ngành ô tô, cơ khí. Đồng thời, bảo vệ thị trường trong nước thông qua các biện pháp thuế quan, hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Khuyến khích sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn của doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ. “Bên cạnh đó, chú trọng phát triển, kích cầu một số ngành cơ khí ưu tiên như ô tô, cơ khí nông nghiệp, đường sắt”- ông Phan Lê Hoàng Linh nói.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng gợi mở thêm, ngành cơ khí cần tạo dựng được thị trường trong nước. “Từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ôtô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới đáp ứng 1/3. Cơ hội để chúng ta tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định… thì cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển” – lãnh đạo Cục Công nghiệp nói.
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương thường xuyên nghiên cứu, xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển cơ khí chế tạo, sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm, cơ khí phục vụ nông nghiệp.