Xuất khẩu và du lịch được dự báo giảm tốc trong năm 2025, do đó kích thích tiêu dùng nội địa sẽ là chìa khóa để duy trì sự ổn định và tăng trưởng.
Năm 2025 đánh dấu một giai đoạn quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 – 7%. Các định chế tài chính lớn đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.
Tiêu dùng nội địa tiếp tục là chìa khóa tăng trưởng
Dù có nhiều thách thức phía trước nhưng các sáng kiến của Chính phủ và tâm lý người tiêu dùng cải thiện có thể giúp duy trì đà tăng trưởng.
Theo chuyên gia của VinaCapital, Chính phủ đã công bố nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm tăng cường chi tiêu cơ sở hạ tầng và cải cách hành chính. Những nỗ lực này không chỉ có ý nghĩa ngắn hạn mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững lâu dài.
Mặc dù chưa thể bù đắp hoàn toàn sự giảm tốc trong xuất khẩu, các biện pháp trên vẫn giúp củng cố niềm tin và cải thiện tâm lý người tiêu dùng.
Dự kiến chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam tăng 15-20% vào năm 2025, đạt khoảng 31 tỉ USD (tương đương khoảng 6% GDP) cho việc hoàn thành thêm 1.000km đường cao tốc, hoàn thành giai đoạn đầu của sân bay mới TP.HCM và mở rộng hai sân bay hiện tại ở TP.HCM và Hà Nội.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng 15-20% sẽ tương đương với việc chi thêm khoảng 5 tỉ USD (tương đương khoảng 1% GDP), và điều này không đủ để bù đắp tác động từ sự suy giảm trong sản xuất và du lịch. Vì vậy các biện pháp bổ sung sẽ cần thiết để duy trì tăng trưởng GDP nhanh chóng của Việt Nam trong năm tới.
“Tiêu dùng chiếm hơn 60% nền kinh tế của Việt Nam, so với khoảng 25% của ngành sản xuất, vì vậy nếu tiêu dùng tăng trưởng mạnh sẽ dễ dàng bù đắp cho sự suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu/sản xuất/lượng khách du lịch trong năm tới” – ông Michael Kokalari, CFA giám đốc phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường của VinaCapital, nhận định.
Rủi ro thương mại và vấn đề thặng dư với Mỹ
Việt Nam hiện là quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, Trung Quốc và Mexico. Theo các chuyên gia, điều này tiềm ẩn nguy cơ nước ta sẽ trở thành mục tiêu trong các chính sách thương mại bảo hộ của chính quyền Trump, nếu không có biện pháp giảm thặng dư.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể giảm thiểu rủi ro thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết với các đối tác lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo dự báo của nhóm chuyên gia HSBC, lạm phát tại Việt Nam sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2025, khoảng 3%, thấp hơn mục tiêu trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Điều này cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,5%.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đối mặt rủi ro từ giá năng lượng và thực phẩm, đặc biệt tác động của dịch tả heo châu Phi đến nguồn cung thịt heo.
Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai xu hướng lớn định hình tương lai kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai lĩnh vực này đều đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu đầu tư cần thiết cho ứng phó biến đổi khí hậu.
“Trong dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để duy trì vị thế là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực”, chuyên gia của HSBC khuyến nghị.