Các nước ASEAN đang tăng tốc thu hút khách du lịch dịp cuối năm trong bối cảnh ngành du lịch khu vực vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Sức hấp dẫn của Việt Nam
Chuyên trang du lịch Drift Travel nêu bật sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam như một điểm đến chơi golf quanh năm, lý tưởng cho du khách đến từ các quốc gia có khí hậu mùa đông khắc nghiệt, trong đó có Hàn Quốc.
Hàn Quốc đã trở thành thị trường du khách hàng đầu của Việt Nam, với hơn 2,3 triệu du khách được ghi nhận trong 8 tháng đầu năm 2023, tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Stephen Banks – Giám đốc Golf tại Laguna Golf Lăng Cô – cho biết, du khách từ các nước Đông Á chắc chắn đánh giá cao miền Trung Việt Nam vì có nhiều lựa chọn chơi golf quanh năm. Ngoài ra, thời gian bay thuận tiện từ các nước Đông Á như Hàn Quốc cũng là một yếu tố thúc đẩy du khách. Nhiều hãng hàng không đang cung cấp tới 20 chuyến bay thẳng mỗi ngày, kết nối các thành phố lớn của Hàn Quốc như Seoul và Busan với Đà Nẵng.
Trong khi đó, trang Yourstory đăng một bài viết về ẩm thực Việt Nam, cho biết, Việt Nam có văn hóa ẩm thực khác biệt không chỉ dựa trên lịch sử 1.000 năm mà còn có khả năng thích nghi với những thay đổi về thói quen ăn uống, thể hiện sự kết hợp thú vị giữa các nền văn hóa. Ẩm thực là một trong những yếu tố thu hút đông đảo khách du lịch đến Việt Nam.
Nỗ lực thu hút du khách Trung Quốc
Theo tờ Nikkei, lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan trong năm nay dự kiến sẽ chỉ đạt 1/3 so với mức trước đại dịch – một khởi đầu không mấy suôn sẻ đối với quốc gia Đông Nam Á vốn phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập từ nguồn khách du lịch này. Hiện chính phủ và doanh nghiệp đang chờ đợi những nỗ lực như miễn thị thực cho du khách từ các quốc gia mục tiêu để có kết quả trong mùa du lịch cao điểm cuối năm.
Korakot Chatasingha – Giám đốc điều hành thương mại của Thai Airways – cho hay: “Trong Tuần lễ Vàng (sau Tết), chúng tôi chứng kiến số lượng hành khách tăng cao, nhưng sau đó sụt giảm mạnh. Chúng tôi hiểu rằng nền kinh tế trong nước là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lượng khách nhập cảnh”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục để mắt đến thị trường Trung Quốc, đồng thời cả thị trường Ấn Độ – nơi chúng tôi áp dụng các biện pháp miễn thị thực” – Thai Airways cho biết.
Tại Singapore, sự phục hồi của hãng hàng không giá rẻ Scoot đã đóng góp một phần vào lợi nhuận nửa năm kỷ lục của Singapore Airlines là 1 tỉ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, công suất tới Trung Quốc chỉ phục hồi được 75% so với mức tháng 1.2020.
Tại Philippines, hãng hàng không giá rẻ Cebu Pacific đã hoãn việc mở tuyến Manila – Bắc Kinh đến năm 2024, trong khi hãng hàng không quốc gia Philippine Airlines nối lại các chuyến bay đến Bắc Kinh và Thượng Hải vào tháng 2.
Trước sự ảm đảm của du khách Trung Quốc, các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Đông Nam Á đã hướng sang Ấn Độ – quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng như các nước láng giềng. Malaysia hiện là nguồn khách du lịch lớn nhất của Thái Lan, trong khi khách Indonesia là khách đến Singapore nhiều nhất và khách Hàn Quốc là khách số 1 đến Việt Nam.
Cơ quan du lịch Thái Lan kỳ vọng việc miễn thị thực sẽ thu hút thêm 500.000 – 700.000 khách du lịch Trung Quốc. Kể từ khi triển khai, lượng khách Trung Quốc hàng ngày đã tăng từ 13.200 lên 16.800, trong khi khách du lịch Ấn Độ tăng từ 5.100 lên 6.100 người mỗi ngày, vượt quá mong đợi.
Tuy nhiên, HSBC lưu ý, du khách Trung Quốc không chi tiêu nhiều như trước. Chi tiêu xa xỉ của người Trung Quốc vẫn im ắng trên toàn thế giới trong tháng 10, chỉ bằng 81% so với tháng 10.2019. Minor International – công ty điều hành nhà hàng và khách sạn Thái Lan ở Thái Lan và Trung Quốc – báo cáo lợi nhuận quý III hàng năm giảm 53%.
Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno cho hay, các chuyến bay từ Trung Quốc đến Bali và Jakarta đã không quay trở lại như mong đợi. Nguyên nhân không chỉ là do kinh tế suy thoái mà còn do các quy định ở Trung Quốc nhằm thúc đẩy du lịch nội địa.