Theo một số đại biểu Quốc hội, dịch Covid-19 đã qua được gần hai năm nhưng nhiều bệnh viện vẫn không có cơ sở để thanh toán tiền nợ liên quan tới vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn… Số tiền nợ của nhiều bệnh viện đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Bệnh viện đã từng bị kiện và xử thua tại toà vì tồn đọng nợ quá lâu mà không có cách nào chi trả được, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Hà Nội) cho biết, Bộ Y tế cần ban hành những hướng dẫn chi tiết giải quyết vướng mắc ở một số mặt hàng cụ thể; các địa phương cần quyết liệt hỗ trợ ngành y tế bằng các nghị quyết của hội đồng nhân dân, giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại sau đại dịch.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 20/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Nợ đọng từ dịch Covid-19
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề cập tới các khoản nợ tồn đọng liên quan tới vật tư y tế sau đại dịch Covid-19. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri ngành y tế của tỉnh Bình Thuận, đại biểu Thông cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát việc mua sắm theo quy định gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các đơn vị đã thực hiện mượn hàng, vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn từ các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, đến nay các bệnh viện vẫn chưa thể thanh toán các khoản nợ này do vướng mắc về thủ tục.
“Đối với tỉnh Bình Thuận, số tiền nợ này là trên 91 tỷ đồng” – đại biểu Thông nói.
Theo Nghị quyết 99 của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế có trách nhiệm nghiên cứu và đưa ra giải pháp, báo cáo cho Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, Chính phủ và Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn để tháo gỡ bất cập này.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Thông, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng đây là một vấn đề nổi cộm không chỉ của riêng tỉnh Bình Thuận mà của đa số các tỉnh có đại dịch bùng phát. Bệnh viện không chỉ nợ tiền vật tư thuốc men mà còn nợ cả suất ăn, đồ giặt, ô-xy, khí nén,…
Tuy nhiên, đại biểu Hiếu cho rằng, đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thanh toán là chưa đủ. Bởi Chính phủ chỉ có thể đề ra nguyên tắc, chỉ đạo cho địa phương thực hiện, rà soát. “Như vậy thì mọi việc sẽ đứng yên tại chỗ” – đại biểu Hiếu nói. Dẫn chứng ngay tại bệnh viện mình điều hành, đại biểu Hiếu cho biết, bệnh viện từng bị kiện và xử thua tại toà vì tồn đọng nợ quá lâu mà không có cách nào chi trả được vì “quá thời hạn, quá năm tài khoá”.
Cuối cùng, bệnh viện không chỉ phải trả nợ mà còn phải kèm theo cả lãi suất ngân hàng. Đại biểu Hiếu đề nghị, Bộ Y tế cần những hướng dẫn chi tiết giải quyết vướng mắc ở một số mặt hàng cụ thể; các địa phương cần quyết liệt hỗ trợ ngành y tế bằng các nghị quyết của hội đồng nhân dân, giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại.
Không để việc thiếu thuốc kéo dài thêm
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu rõ, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ, Bộ Y tế đã trả lời các kiến nghị của cử tri các địa phương về một số nội dung như: bổ sung thêm thuốc vào danh mục bảo hiểm y tế, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại các bệnh viện, cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ công chức, viên chức y tế.
Nêu kiến nghị, đại biểu cho biết cán bộ dân số nói chung, đặc biệt là cán bộ dân số cơ sở đang có rất nhiều thiệt thòi, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.
Ngày 6/9/2023 Bộ Y tế ban hành Công văn số 5492/BYT-TCCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp và phân công công việc của viên chức dân số nhằm bảo đảm công bằng trong giải quyết chế độ, chính sách cho viên chức y tế, dân số.
Đánh giá đây là việc làm rất thiết thực, đại biểu đề nghị Bộ Y tế kiểm tra, đôn đốc các Sở Y tế thực hiện nghiêm túc. Ông Nguyễn Anh Trí cho biết trên thực tế có một số Sở Y tế chưa thực hiện vấn đề này.
Về vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cục bộ tại các bệnh viện công lập, đại biểu cho biết hiện tượng này đã được đề cập nhiều trong các báo cáo và các ý kiến. Bộ Y tế đã cố gắng giải quyết bằng những văn bản pháp lý cần thiết để mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Do đó, đại biểu đề nghị các tỉnh, thành phố, địa phương đôn đốc, kiểm tra, tổ chức mua sắm các trang thiết bị cho đủ, đúng, để đảm bảo điều kiện tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Đề nghị bãi bỏ giấy chuyển viện
Về bảo hiểm y tế, đại biểu cho biết, cử tri có ý kiến rất nhiều về việc khi đi khám chữa bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là rất phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi.
Theo đại biểu, trong điều kiện công nghệ thông tin tiến bộ như hiện nay, khi liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã dễ dàng, khi đã có trên 93% dân số Việt Nam có bảo hiểm y tế thì việc có giấy xin chuyển viện nên bãi bỏ. Cần đẩy mạnh tiến trình thông tuyến hơn nữa, thực chất hơn nữa.
Đại biểu cho rằng, ở lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế tới đây cần quy định theo hướng người có bảo hiểm y tế muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, sao cho phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc.
Đại biểu nhấn mạnh phải coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong lần sửa luật này.
Về bổ sung thêm thuốc vào danh mục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đại biểu cho biết cử tri đề nghị với những bệnh lý nam khoa đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào phân loại bệnh tật quốc tế thì phải được bảo hiểm y tế thanh toán.
Đại biểu cũng lưu ý, khi sửa luật tới đây cần đánh giá dù điều trị bằng thuốc gì, phác đồ nào là do bác sĩ, do mức độ bệnh… thì danh mục thuốc đó sẽ do ngành y, cơ sở y tế quyết định. Bệnh nhân dùng thuốc gì, phác đồ nào nếu đúng, hiệu quả thì bảo hiểm y tế thanh toán như vậy.