Quảng Ninh xác định đầu tư công là nguồn nội lực, động lực, trụ cột cực kỳ quan trọng tạo ra tăng trưởng GRDP, phát triển kinh tế – xã hội… Tuy nhiên đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Tỉnh đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và thành viên Tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Tính đến ngày 27/10 toàn tỉnh mới giải ngân được trên 6.640 tỷ đồng, đạt 48,1% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm (trên 13.820 tỷ đồng), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (53%). Cụ thể: Vốn ngân sách trung ương giải ngân đạt 75,3% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ (33,2%); vốn ngân sách tỉnh đạt 33,6% kế hoạch vốn đã phân khai, thấp hơn so với cùng kỳ (49,7%); vốn ngân sách huyện giải ngân đạt 58% kế hoạch giao đầu năm, đạt 46,3% kế hoạch đã phân khai.
Trong 3 nguồn vốn ngân sách trên, chỉ có nguồn vốn trung ương giải ngân đạt cao, 2 nguồn vốn còn lại có tỷ lệ giải ngân thấp. Trong khi đó ngay từ những ngày đầu năm, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg (23/3/2023) của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND – UBND tỉnh đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản, công điện lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh đã sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư và yêu cầu các địa phương thành lập các tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Qua công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát của các đơn vị, để xảy ra tình trạng giải ngân chậm tiến độ như hiện nay, ngoài yếu tố khách quan, còn có tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trong thực thi công vụ của một bộ phận CBCCVC, trong đó có cả người đứng đầu, lãnh đạo quản lý trong lĩnh vực đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, gắn với bảo đảm khối lượng, chất lượng công trình, hiệu quả sau đầu tư, thu hồi vốn tạm ứng quá hạn hợp đồng.
Theo Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, trên cơ sở đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến nay cho thấy việc triển khai thực hiện còn có những hạn chế, như: Nguồn lực đầu tư chậm được phân khai; tiến độ triển khai thủ tục đầu tư các dự án đã đưa vào kế hoạch trung hạn còn chậm, hiện còn 28 dự án chưa xong thủ tục phê duyệt dự án.
Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 100% kế hoạch vào cuối năm, tại Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh (ngày 31/10/2023), HĐND tỉnh đã quyết nghị điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn đầu tư của một số dự án không có khả năng giải ngân năm 2023. Việc điều chỉnh, phân bổ nguồn vốn là giải pháp tạm thời, điều quan trọng nhất vẫn là phải cố gắng, nỗ lực với tinh thần trách nhiệm làm việc bằng hai; nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương liên quan trong từng khâu công việc, gắn với kiểm soát quyền lực, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm; kiên quyết thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Phát biểu tại Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chỉ đạo: Cần phải chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; phòng, chống, đẩy lùi hiện tượng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; kịp thời sàng lọc, rà soát, kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác, xem xét trách nhiệm đối với CBCC năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao, để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền gây hậu quả theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 968/CĐ-TTg (ngày 16/10/2023).